Cần Cù, Chịu Khó Là Chìa Khoá Thành Công

Ba năm liền, vợ chồng anh Huỳnh Văn Đặng, chị Phạm Thị Xuân (ngụ tổ 5, ấp Thanh An, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) được bình chọn là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen. Nếu thoạt nhìn cơ ngơi bề thế như bây giờ, nhiều người sẽ không tin được gia đình anh Đặng, chị Xuân đã phải nếm trải những ngày tháng hết sức gian nan, cơ cực.
Là con thứ 8 trong gia đình có 9 anh chị em, gia đình đông con, cuộc sống khó khăn, nên ngay từ ngày bé anh Đặng đã có tính tự lập. Đầu những năm 1980, khi đó mới 18 tuổi, anh Đặng đã lên khai khẩn đất ở khu vực ấp Thanh An bây giờ. Đến năm 1985, anh lập gia đình với chị Xuân.
Thời gian đầu, vợ chồng anh Đặng chuyên canh cây lúa, cây đậu xanh nhưng không hiệu quả, nên quyết định chuyển qua trồng mì. “Hoạ vô đơn chí”, mì rớt giá, bán không ai mua, buộc phải đem đổ bỏ. Ở vùng đất mới, cuộc sống cơ cực mà nông sản làm ra lại không tiêu thụ được, nhiều người đã phải bán đất, bỏ xứ mà đi. Riêng vợ chồng anh vẫn quyết bám trụ đến cùng. Năm 1990, anh Đặng quyết định chuyển qua trồng cao su.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị khai thác, giá cao su giảm mạnh, buộc lòng anh phải đốn bỏ, bao nhiêu công sức đầu tư gần như đổ sông, đổ biển. Vợ chồng anh Đặng phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống: từ lái trâu, lái bò đến lái mì.
Cuối năm 2000, khi thị trường cao su có dấu hiệu phục hồi, vợ chồng anh quyết định “thử thời vận” một lần nữa, tiếp tục trồng cây cao su trên toàn bộ số diện tích đất còn lại. Sự kiên trì của vợ chồng anh rồi cũng đạt được kết quả xứng đáng. 10 ha cao su có hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình, cuộc sống không còn lận đận như xưa. Vợ chồng anh cất nhà, mua sắm tiện nghi, tậu luôn một chiếc ô tô để gia đình đi đây, đi đó.
Anh Đặng tâm sự: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc! Sau 30 năm trời, từ lúc mới mười tám, đôi mươi lên đây lập nghiệp, trải qua bao khó khăn khổ nhọc, bây giờ đã khấm khá hơn. Suy cho cùng, chính sự kiên trì bám trụ với mảnh đất này cùng với sự cần cù, chịu khó, không nản lòng trước khó khăn, đó là chìa khoá thành công”.
Ông Nguyễn Đông Hiền- Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỏ Công cho biết: Anh Đặng là một hội viên nông dân điển hình trong nhiều năm, rất năng nổ với công tác Hội nên được bà con tín nhiệm bầu vào BCH Hội Nông dân xã. Thành công của anh hôm nay chính là do sự nỗ lực của bản thân, luôn cần cù, chịu khó trong cuộc sống cũng như trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Mục đích của việc xây dựng quỹ là để hỗ trợ cho ngư dân làm nghề khai thác thủy sản trên biển, các con tàu làm công tác dịch vụ hậu cần trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, gặp rủi ro thiệt hại do thiên tai, do tàu thuyền nước ngoài bắt giữ, cướp phá tài sản...

Giá nghêu giống tại khu vực biển Tân Thành (huyện Gò Công, Tiền Giang) đang tăng cao, loại kích cỡ 600 – 800 ngàn con/kg được các thương lái thu mua với giá 16 - 18 đồng/con (khoảng 10 - 15 triệu đồng/kg), tăng 5 - 7 đồng/con (tương đương 3 - 5 triệu đồng/kg) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong môi trường tự nhiên cá cũng rất dễ bị vi khuẩn tấn công. Để hạn chế sự gây hại này, ông Công chế ra một loại hỗn hợp khá đặc biệt, đó là nắn một cục đất sét độ khoảng bằng nắm tay có trộn với vôi bột, muối, dầu mazut. Sau đó nhét 1 gói Soffell diệt muỗi có cắt miệng sẵn đặt ở giữa và đưa vào trong túi nhựa có vài lỗ nhỏ xung quanh, mỗi lồng bè có thể treo từ 5 - 7 túi

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến vụ thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) nhưng tại các nhà vườn trồng sầu riêng, năng suất rất thấp, chỉ bằng 30 - 40% so với mọi năm. Ảnh hưởng của cơn bão số 1, thời tiết nhiều mưa và vụ sầu riêng năm ngoái kéo dài là những nguyên nhân gây mất mùa sầu riêng năm nay. Dự báo, sản lượng sầu riêng năm nay sẽ thấp và giá cả sẽ nâng lên.

Giá heo hơi ở các tỉnh ĐBSCL đang giảm thê thảm và khó tiêu thụ khiến hàng loạt hộ chăn nuôi lao đao. Tại Tiền Giang, đến chiều 2-4, giá heo hơi chỉ còn 4 - 4,2 triệu đồng/tạ, thậm chí có nơi như huyện Chợ Gạo chỉ còn 3,8 triệu đồng/tạ nhưng kêu bán rất khó.