Cần Cù, Chịu Khó Là Chìa Khoá Thành Công

Ba năm liền, vợ chồng anh Huỳnh Văn Đặng, chị Phạm Thị Xuân (ngụ tổ 5, ấp Thanh An, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) được bình chọn là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen. Nếu thoạt nhìn cơ ngơi bề thế như bây giờ, nhiều người sẽ không tin được gia đình anh Đặng, chị Xuân đã phải nếm trải những ngày tháng hết sức gian nan, cơ cực.
Là con thứ 8 trong gia đình có 9 anh chị em, gia đình đông con, cuộc sống khó khăn, nên ngay từ ngày bé anh Đặng đã có tính tự lập. Đầu những năm 1980, khi đó mới 18 tuổi, anh Đặng đã lên khai khẩn đất ở khu vực ấp Thanh An bây giờ. Đến năm 1985, anh lập gia đình với chị Xuân.
Thời gian đầu, vợ chồng anh Đặng chuyên canh cây lúa, cây đậu xanh nhưng không hiệu quả, nên quyết định chuyển qua trồng mì. “Hoạ vô đơn chí”, mì rớt giá, bán không ai mua, buộc phải đem đổ bỏ. Ở vùng đất mới, cuộc sống cơ cực mà nông sản làm ra lại không tiêu thụ được, nhiều người đã phải bán đất, bỏ xứ mà đi. Riêng vợ chồng anh vẫn quyết bám trụ đến cùng. Năm 1990, anh Đặng quyết định chuyển qua trồng cao su.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị khai thác, giá cao su giảm mạnh, buộc lòng anh phải đốn bỏ, bao nhiêu công sức đầu tư gần như đổ sông, đổ biển. Vợ chồng anh Đặng phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống: từ lái trâu, lái bò đến lái mì.
Cuối năm 2000, khi thị trường cao su có dấu hiệu phục hồi, vợ chồng anh quyết định “thử thời vận” một lần nữa, tiếp tục trồng cây cao su trên toàn bộ số diện tích đất còn lại. Sự kiên trì của vợ chồng anh rồi cũng đạt được kết quả xứng đáng. 10 ha cao su có hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình, cuộc sống không còn lận đận như xưa. Vợ chồng anh cất nhà, mua sắm tiện nghi, tậu luôn một chiếc ô tô để gia đình đi đây, đi đó.
Anh Đặng tâm sự: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc! Sau 30 năm trời, từ lúc mới mười tám, đôi mươi lên đây lập nghiệp, trải qua bao khó khăn khổ nhọc, bây giờ đã khấm khá hơn. Suy cho cùng, chính sự kiên trì bám trụ với mảnh đất này cùng với sự cần cù, chịu khó, không nản lòng trước khó khăn, đó là chìa khoá thành công”.
Ông Nguyễn Đông Hiền- Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỏ Công cho biết: Anh Đặng là một hội viên nông dân điển hình trong nhiều năm, rất năng nổ với công tác Hội nên được bà con tín nhiệm bầu vào BCH Hội Nông dân xã. Thành công của anh hôm nay chính là do sự nỗ lực của bản thân, luôn cần cù, chịu khó trong cuộc sống cũng như trong sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Quốc Việt, cư ngụ tại ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) là người thành công với mô hình đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 05 ha. Nhờ biết tận dụng diện tích đất sẵn có và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nên anh đã thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp: 02 vụ tôm sú kết hợp 01 vụ cua, cá rô phi; 01 vụ lúa kết hợp với tôm càng xanh; nuôi cá sấu, cá bống tượng, mỗi năm thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng.

Gia đình anh Châu Văn Phương ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre có truyền thống trồng mía, nhưng mấy năm nay giá cả bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn. Được sự tư vấn của trạm khuyến nông huyện, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại giống ớt sừng vàng châu Phi ngắn ngày cho thu nhập nhanh, giá bán cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Quảng Bình đã nhập nuôi khảo nghiệm và nhân giống thành công gà Sao thương phẩm (hay còn gọi là sao Lôi, gà Nhật, gà Phi hay chim trĩ châu Phi).

Trong vụ 1 nuôi tôm chân trắng năm 2013, người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thả nuôi 2.000 ha, chiếm 50% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Những địa phương có diện tích thả nuôi lớn là: Ninh Hòa, Vạn Ninh. Vụ nuôi này, người nuôi tôm đã có sự đầu tư, quản lý chặt từ con giống đến môi trường nước, chất lượng thức ăn.

Nông nghiệp đô thị (NNĐT) Bình Dương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong thời gian tới, NNĐT sẽ có những bước phát triển mới nhờ các chính sách hỗ trợ tích cực hơn từ các ngành chức năng.