Cần có giải pháp khẩn cấp đối phó với nắng nóng, khô hạn bất thường trong sản xuất vụ Mùa

Đã giữa mùa mưa nhưng trời vẫn nắng nóng. Sự biến đổi thời tiết bất thường trên đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ Mùa. “Mục sở thị” qua các vùng trọng điểm lúa của tỉnh thấy rất rõ hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Bà con các xã Bằng Lang, Xuân Giang, Tiên Yên, Vĩ Thượng (Quang Bình); Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Đông Thành, Hùng An (Bắc Quang); Việt Lâm, Đạo Đức (Vị Xuyên) cho biết: Có 2 nguy cơ đe dọa “thất bát” trong vụ mùa.
Nguy cơ thứ nhất là mất giống do mạ quá già. Nguy cơ thứ hai là mất trắng diện tích lúa Mùa đã cấy vì thiếu nước chăm bón. Một nông dân thôn Kiêu, xã Xuân Giang đã cầm ô, đeo dép đi lại giữa cánh đồng trên các thửa ruộng đã cấy. Anh này cho biết: Thôn Kiêu có khoảng 20 ha ruộng đã được cấy lúa Mùa sớm. Như mọi năm trước, thì toàn bộ diện tích lúa này đã được bón thúc, làm cỏ đợt 1. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay toàn bộ diện tích lúa cấy sớm của thôn đều bị khô hạn, nứt nẻ; rất nhiều đám ruộng bùn có thể chạy đá bóng được. Nhận định, nếu trời tiếp tục nắng nóng 36 – 38 độ C kéo dài khoảng 1 tuần đến mươi ngày nữa thì lúa cấy trong thôn sẽ đứng trước nguy cơ chết cháy.
Cánh đồng rộng ngay trung tâm xã Tiên Yên, huyện Quang Bình, người dân trong thôn đã phải dùng ô doa tưới nước cứu mạ. Tại đây, có hàng loạt ruộng gặt xong lúa Xuân đã không thể làm đất cấy lúa Mùa vì ruộng khô cứng không thể cày bừa. Người dân trong vùng cho rằng, thời tiết nắng nóng kéo dài chỉ ít ngày nữa thôi sẽ làm cho mạ già cỗi, lên đốt không thể sử dụng được. Nguy cơ mạ già, hoặc bị cháy nắng và bỏ đi hàng loạt đang hiện hữu. Người dân địa phương cho biết, hiện tượng mạ già, mạ héo, ruộng chưa thể cày bừa... diễn ra rộng khắp trong xã. Nhiều nơi, nhiều diện tích ruộng đã cấy đều rơi vào nguy cơ khô nứt ngay sau khi cấy, không thể duy trì chăm bón được.
Không hơn gì xã Tiên Yên, xã Vĩ Thượng được đánh giá là thuận lợi nhất về hệ thống thủy lợi cũng rơi vào tình trạng khô hạn trên diện rộng. Mạ thì khô héo trước ánh nắng chói trang của mặt trời. Đồng trên, ruộng dưới chạy dọc theo Tỉnh lộ 183 đang lô nhô gốc rạ. Thiếu nước nghiêm trọng để làm đất và cả nước tưới cho các thửa mạ đã già, đổ đốt đang có ở khắp mọi nơi. Các xã lân cận khu vực huyện Bắc Quang là Đồng Yên, Vĩnh phúc, Đông Thành... đều nằm trong tình trạng thiếu nước để tưới cho mạ già và ruộng vườn vẫn còn bỏ trơ do thiếu nước làm đất. Hiện tượng khô hạn ngay “giữa mùa mưa” là điều chưa từng có tiền lệ trong mấy chục năm trở lại đây. Hiện tại, các huyện trọng điểm lúa của tỉnh đang còn mỗi huyện hàng trăm ha diện tích ruộng bị bỏ hoang chưa thể cày cấy được. Đồng bào các địa phương còn đang loay hoay chưa biết làm cách nào để khắc phục hạn hán để tiếp tục làm mùa ?
Không riêng gì ở vùng thấp, các huyện vùng cao phía Tây như Xín Mần, Hoàng Su Phì thì hiện tượng trời không mưa, nắng nóng tiếp tục gây thiệt hại cho ngô, đậu tương vụ Mùa. Hiện tượng ngô, đậu cùng rau màu các loại đang héo rũ trong nắng nóng ở nền nhiệt cao đang xảy ra phổ biến, khó lường. Theo báo cáo sơ bộ của Phòng NN & PTNT huyện Xín Mần cho biết, toàn huyện có khoảng 2/3 diện tích ngô vụ mùa, tức khoảng gần 2.000 ha ngô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và có trên 70% diện tích ngô Mùa bị giảm sản lượng. Còn nếu, trời tiếp tục nắng nóng kéo dài khoảng 10 ngày nữa thì ngô Mùa có thể bị mất trắng. Kèm theo đó là hàng trăm ha diện tích đậu tương Mùa cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Nguy cơ mất mùa đang hiện hữu trên diện rộng. Ở Hoàng Su Phì, hiện trạng nắng nóng và khô hạn cũng đang hiện hữu ở khắp nơi. Nếu không kịp thời có các giải pháp tháo gỡ và chuyển đổi giống cây trồng thích hợp, thì sẽ khó tránh được thiệt hại do thời tiết khô nóng bất thường gây ra trong vụ Mùa năm nay ở toàn tỉnh.
Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện cần sớm vào cuộc để cùng bà con nông dân tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp thích hợp về: Thủy lợi, hoặc tính đến giải pháp chuyển đổi cây, con và chuẩn bị giống dự phòng để duy trì sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Bước đầu qua điều tra tại một số huyện thuộc Hà Nội, Hà Tây cho thấy nông dân đã sử dụng 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng (thuốc trong danh mục gồm 7 loại, trong đó thuốc có chứa hoạt chất Gibberellic acid chiếm 70,9%; thuốc ngoài danh mục 1 loại).

Khoảng hai năm trở lại đây nhiều nông dân Cà Mau ồ ạt đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi cá sấu. Nhưng giấc mơ đổi đời đã thất bại, sau một thời gian nuôi, cá sấu bị chết hàng loạt hoặc tắc đầu ra khiến họ trắng tay.

Chuối là loại cây ăn trái quan trọng bậc nhất đối với Philippines về mặt sản lượng và diện tích. Do có giá trị dinh dưỡng và giá cả rẻ hơn so với xoài và khóm (dứa) nên chuối dễ tiêu thụ.

Mỗi khi mùa mưa bão về, các ngư dân huyện đảo Phú Quý phải “di dời” cá mú lồng bè tránh bão. Để đối phó, ngư dân Dương Thanh Phong – xã Long Hải (Bình Thuận) đã có ý tưởng xây ao chắn quanh bờ biển để nuôi trồng hải sản. Không những tiết kiệm đất đai và cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình còn giúp ngư dân yên tâm vào mùa mưa bão.

Thanh Long ruột đỏ có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm nay nhưng mới bắt đầu trồng quy mô ở các tỉnh: Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh và một số ít ở TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, vùng Bảy Núi tỉnh An Giang… bước đầu đã mang lại hiệu quả rất khích lệ. Giống cây ăn trái nầy còn có tên là thanh long Nữ Hoàng, tên khoa học là Hylocereus.