Cam kết không nuôi heo bằng chất cấm

Đồng Nai vừa phát động phong trào trong giới chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm, đồng thời giám sát, tố cáo khi phát hiện hành vi vi phạm.
Đại diện của Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, phong trào này được phát động bởi Phân viện Chăn nuôi Miền Nam, Sở NNPTNT và Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai. Cũng theo vị đại diện này, đã có hàng chục người chăn nuôi đại diện cho chủ trang trại và người chăn nuôi trong tỉnh đã ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Trước đó, TP.HCM cũng có động thái tương tự cho hàng chục nông dân, chủ trang trại chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, qua kết quả kiểm tra, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể, trong năm 2014, qua kiểm tra, tỉnh đã phát hiện 12/156 mẫu dương tính với chất Salbutamol, tỷ lệ khoảng 7,7%, nhưng năm 2015 phát hiện 20/84 mẫu dương tính, tỷ lệ trên 20%.
Hiện, Đồng Nai là địa phương có tổng đàn heo cao nhất nước với khoảng 1,5 triệu con. Thực tế, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Đồng Nai đã tái phát nhiều lần vì sự hấp dẫn rất lớn về lợi nhuận. Việc này cũng đã gây tác hại khôn lường đến sức khỏe cộng đồng và làm thiệt hại kinh tế cho những người chăn nuôi chân chính.
Anh Nguyễn Văn Hậu (huyện Long Thành) – chủ một trang trại chăn nuôi 1.200 con heo nái- hoàn toàn đồng tình với việc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. “Người chăn nuôi heo chân chính trong tỉnh vừa rồi bị thiệt hại khá nhiều do thông tin heo nuôi có chất cấm. Việc giới nuôi heo trong tỉnh cam kết không sử dụng chất cấm hy vọng tình hình chăn nuôi sẽ có chuyển biến tốt hơn”- anh Hậu nói.
Theo anh Lê Long – một hộ chăn nuôi heo ở huyện Tân Phú, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và giám sát thông qua vai trò của cán bộ thú y địa phương. “Tôi không nghĩ cán bộ thú y không nhận ra heo nào được nuôi bằng chất tạo nạc, heo nào bình thường. Họ phải công tâm để giúp ngành chăn nuôi tỉnh phát triển và giúp người tiêu thụ hạn chế bệnh tật”- anh Long cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Nguyên nhân rớt giá một phần do các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh (Tịnh Biên, Vĩnh Xương) ngưng làm thủ tục (đóng cửa) lúc 18 giờ hàng ngày, khiến dưa hấu bị hạn chế khi xuất khẩu sang Campuchia, trong khi đây là thời điểm làm ăn sôi động. Thương nhân hai nước đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho mở cửa biên giới đến 21 giờ đêm để thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa.

Cá chép là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ… nên được nuôi khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, qua theo dõi nuôi cá chép trên địa bàn tỉnh, người nuôi chủ yếu thả tận dụng, cơ cấu mật độ thả thấp, chỉ chiếm khoảng 10 - 20% so với tổng đàn cá thả, dẫn đến sản lượng thu hoạch cá chép không cao, lợi nhuận của người nuôi còn thấp. Chưa có nhiều mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh cá chép để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Intimex đã chia sẻ riêng với NNVN về các kinh nghiệm tái cấu trúc ngành hàng và DN nông sản XK trong năm 2015...

Hiện nay, giá mủ cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đang ở mức thấp, đây chính là cơ hội tốt để ngành cao su VN tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị, thay vì chỉ tập trung SX và XK mủ cao su thô như lâu nay.

Tết Ất Mùi năm nay nhà nông Trần Thanh Liêm, ở khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 500 cặp dưa hấu hình vuông, thỏi vàng có chữ “Tài - Lộc” nổi trên vỏ, giá từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/cặp. Dự kiến trong dịp tết ông thu gần một tỷ đồng. Đồng thời, năm nay ông sẽ tung ra khoảng 20 cặp dưa hấu hình trái tim rất lạ mắt với giá 8 triệu đồng/cặp.