Cách Trộn Thuốc Vào Thức Ăn Trị Bệnh Cho Vật Nuôi Thủy Sản

Trong các phương pháp trị bệnh cho tôm, cá thì đưa thuốc trị bệnh qua đường thức ăn được người nuôi sử dụng khá phổ biến. Để đạt được hiệu quả trị bệnh tốt nhất, điều quan trọng là cần trộn thuốc vào thức ăn đúng cách. Cần tiến hành theo các bước:
Tính lượng thuốc
Để xác định lượng thuốc cần dùng để trộn vào thức ăn cho tôm (cá), trước tiên phải xác định trọng lượng thực tế của đàn tôm (cá) hiện có trong ao, bằng công thức:
Tổng trọng lượng tôm (cá) = Số cá thả x Tỷ lệ sống x Trọng lượng bình quân mỗi cá thể. Tiếp theo, căn cứ liều sử dụng theo hướng dẫn trên trên nhãn thuốc. Lưu ý, trên nhãn thuốc có hướng dẫn liều sử dụng theo đơn vị thức ăn nhưng đây chỉ là thông tin để tham khảo, phải tính lượng thuốc cần sử dụng theo trọng lượng tôm (cá).
Chẳng hạn trên nhãn ghi: Sử dụng 0,2 kg thuốc cho 1 tấn tôm (cá) hoặc trộn vào 20 - 30 kg thức ăn, thì đó là liều tương đương của thức ăn và trọng lượng khi tôm (cá) còn ăn mạnh (khi tôm, cá bệnh lượng thức ăn sử dụng giảm). Nhưng khi tôm (cá) đã bệnh, người nuôi nên chọn liều là 0,2 kg thuốc/1 tấn tôm (cá).
Tính lượng thức ăn cần trộn thuốc
Nên trộn thuốc với 20 - 30% lượng thức ăn hàng ngày khi tôm, cá chưa bệnh để đảm bảo lượng thuốc cung cấp đủ nồng độ và tất cả cá đều ăn được thuốc.
Nếu trộn thuốc với lượng thức ăn như khi tôm, cá còn ăn mạnh thì sẽ ăn không hết thức ăn (do cá bệnh ăn yếu), vừa gây lãng phí thuốc, vừa làm cho nồng độ thuốc trong cơ thể không đủ diệt khuẩn. Còn nếu trộn thuốc với quá ít thức ăn sẽ làm một số cá ăn yếu không tranh được thức ăn cũng sẽ không được điều trị.
Pha nước vào thuốc
Theo tỷ lệ 7 lít nước/40 kg thức ăn. Sử dụng nước sạch để pha thuốc. Không nên sử dụng nước ao để trộn thức ăn vì nếu ao cá nhỏ, nước sẽ có rất nhiều tảo làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của cá; còn nếu cá lớn, nước ao sẽ có nhiều chất hữu cơ làm kết tủa một lượng thuốc, làm giảm nồng độ thuốc, dẫn đến hiệu quả không cao.
Dùng thùng có vòi sen múc nước thuốc tưới đều vào thức ăn, vừa tưới vừa trộn. Một số loại thuốc chậm tan, cần quậy đảo liên tục trong thùng tưới, tránh thuốc bị sa lắng dưới đáy thùng. Sau đó, để thức ăn nơi thoáng mát khoảng 30 phút, đợi thuốc ngấm sâu vào viên thức ăn, dùng dầu ăn bao áo viên thức ăn rồi rải đều khắp ao cho cá ăn.
Đối với thức ăn tự chế
Sau khi tính đủ lượng thuốc cho số cá trong ao, nên trộn số thuốc này với số cám dùng trong hỗn hợp tự chế. Chia nhỏ lượng cám và lượng thuốc cần trộn để trộn nhiều đợt (giúp thuốc phân tán đều vào cám). Sau khi cám và thuốc đã trộn đều thì dùng hỗn hợp cám + thuốc này trộn vào các thành phần khác theo tỷ lệ của thức ăn tự chế.
Lưu ý: Nếu sử dụng cùng lúc 2 hoặc 3 loại thuốc thì nên trộn riêng từng loại, không nên hòa nhiều loại thuốc vào nước để trộn vào thức ăn để tránh thuốc tương tác nhau làm giảm hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm

Sinh ra và lớn lên ở huyện Tân Hồng, khởi nghiệp gian nan với số đất ít ỏi trồng lúa ở vùng biên giới nhưng bằng sự năng động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang đến thành công cho anh Nguyễn Văn Phụng (SN 1969) ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng.

Cải Xa-lát là loại cây trồng vụ Đông, đã được bà con nông dân xã Đạo Đức trồng đại trà trong những vụ Đông trước đây. Qua thực tế cho thấy, đây là loại cây trồng ngắn ngày, công chăm sóc ít, nguồn tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Mấy năm gần đây, sản xuất đậu tương của các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm dần về diện tích, sản lượng, năng suất không thay đổi qua những mùa vụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và lượng nhập khẩu tăng lên hàng năm... đây thực sự là nghịch lý sản xuất đậu tương đã, đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang.

Huyện Yên Minh vừa phát động phong trào sản xuất cây vụ Đông năm 2014. Theo kế hoạch, huyện triển khai gieo trồng 3.600 ha cây rau, đậu các loại, tăng gấp 5 lần so với vụ Đông năm 2013. Cụ thể: Gieo trồng 2.800 ha cây rau màu; trên 450 ha đậu; 100 ha khoai tây; 210 ha khoai lang.

Chiếm hơn 80% thị phần trên thế giới, do đó cá tra được xem là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Song, vấn đề đáng buồn là nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ngày càng đi vào ngõ cụt, bởi giá cá bấp bênh càng sản xuất càng thua lỗ. Vì sao cá tra lại rơi vào tình cảnh khốn đốn như vậy...