Cách Trộn Thuốc Vào Thức Ăn Trị Bệnh Cho Vật Nuôi Thủy Sản

Trong các phương pháp trị bệnh cho tôm, cá thì đưa thuốc trị bệnh qua đường thức ăn được người nuôi sử dụng khá phổ biến. Để đạt được hiệu quả trị bệnh tốt nhất, điều quan trọng là cần trộn thuốc vào thức ăn đúng cách. Cần tiến hành theo các bước:
Tính lượng thuốc
Để xác định lượng thuốc cần dùng để trộn vào thức ăn cho tôm (cá), trước tiên phải xác định trọng lượng thực tế của đàn tôm (cá) hiện có trong ao, bằng công thức:
Tổng trọng lượng tôm (cá) = Số cá thả x Tỷ lệ sống x Trọng lượng bình quân mỗi cá thể. Tiếp theo, căn cứ liều sử dụng theo hướng dẫn trên trên nhãn thuốc. Lưu ý, trên nhãn thuốc có hướng dẫn liều sử dụng theo đơn vị thức ăn nhưng đây chỉ là thông tin để tham khảo, phải tính lượng thuốc cần sử dụng theo trọng lượng tôm (cá).
Chẳng hạn trên nhãn ghi: Sử dụng 0,2 kg thuốc cho 1 tấn tôm (cá) hoặc trộn vào 20 - 30 kg thức ăn, thì đó là liều tương đương của thức ăn và trọng lượng khi tôm (cá) còn ăn mạnh (khi tôm, cá bệnh lượng thức ăn sử dụng giảm). Nhưng khi tôm (cá) đã bệnh, người nuôi nên chọn liều là 0,2 kg thuốc/1 tấn tôm (cá).
Tính lượng thức ăn cần trộn thuốc
Nên trộn thuốc với 20 - 30% lượng thức ăn hàng ngày khi tôm, cá chưa bệnh để đảm bảo lượng thuốc cung cấp đủ nồng độ và tất cả cá đều ăn được thuốc.
Nếu trộn thuốc với lượng thức ăn như khi tôm, cá còn ăn mạnh thì sẽ ăn không hết thức ăn (do cá bệnh ăn yếu), vừa gây lãng phí thuốc, vừa làm cho nồng độ thuốc trong cơ thể không đủ diệt khuẩn. Còn nếu trộn thuốc với quá ít thức ăn sẽ làm một số cá ăn yếu không tranh được thức ăn cũng sẽ không được điều trị.
Pha nước vào thuốc
Theo tỷ lệ 7 lít nước/40 kg thức ăn. Sử dụng nước sạch để pha thuốc. Không nên sử dụng nước ao để trộn thức ăn vì nếu ao cá nhỏ, nước sẽ có rất nhiều tảo làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của cá; còn nếu cá lớn, nước ao sẽ có nhiều chất hữu cơ làm kết tủa một lượng thuốc, làm giảm nồng độ thuốc, dẫn đến hiệu quả không cao.
Dùng thùng có vòi sen múc nước thuốc tưới đều vào thức ăn, vừa tưới vừa trộn. Một số loại thuốc chậm tan, cần quậy đảo liên tục trong thùng tưới, tránh thuốc bị sa lắng dưới đáy thùng. Sau đó, để thức ăn nơi thoáng mát khoảng 30 phút, đợi thuốc ngấm sâu vào viên thức ăn, dùng dầu ăn bao áo viên thức ăn rồi rải đều khắp ao cho cá ăn.
Đối với thức ăn tự chế
Sau khi tính đủ lượng thuốc cho số cá trong ao, nên trộn số thuốc này với số cám dùng trong hỗn hợp tự chế. Chia nhỏ lượng cám và lượng thuốc cần trộn để trộn nhiều đợt (giúp thuốc phân tán đều vào cám). Sau khi cám và thuốc đã trộn đều thì dùng hỗn hợp cám + thuốc này trộn vào các thành phần khác theo tỷ lệ của thức ăn tự chế.
Lưu ý: Nếu sử dụng cùng lúc 2 hoặc 3 loại thuốc thì nên trộn riêng từng loại, không nên hòa nhiều loại thuốc vào nước để trộn vào thức ăn để tránh thuốc tương tác nhau làm giảm hiệu lực.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, 6 tháng đầu năm 2012 sản lượng cá tra, ba sa nuôi lồng, bè trên địa bàn thu hoạch giảm chỉ bằng 89% so cùng kỳ. Tình trạng thiếu cá nguyên liệu dự báo sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến thủy sản trong thời gian tới.

Huyện Cam Lộ được ví là “thủ phủ bắp” của tỉnh Quảng Trị, với diện tích vụ ĐX 2011-2012 lên đến hàng ngàn ha. Nhưng bà con nông dân ở nhiều xã đang dở khóc, dở cười vì đã đến mùa thu hoạch nhưng giá bắp lại rẻ bèo và bán không ai mua.

Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân nhưng rất nhiều bà con nông dân ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) không mặn mà ra đồng thu hoạch vì lúa cháy khô, teo tóp thiệt hại sau đợt nắng nóng kéo dài.

Lâm Đồng là một trong những tỉnh được đánh giá có nghề trồng nấm phát triển mạnh.

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020, có ý kiến lo ngại khó thực hiện được chủ trương này, nhưng thực tế hiện nay tốc độ chuyển đổi đã chậm lại; thậm chí có địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng, quay lại trồng lúa !