Các Giống Mía Triển Vọng Mới Nhập

Trong năm 2010, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía đường đã tiến hành nhập nội và đang tiến hành sơ tuyển một số giống mía mới của Thái Lan.
Kết quả sơ tuyển bước đầu cho thấy có 5/6 giống có nhiều triển vọng gồm: K99-72, K99-75, K99-82, Khonkaen 3 và Kps01-25. Đây đều là những giống mía có khối lượng cây trung bình khá cao (2,5 – 3,3 kg/cây), tiềm năng cho năng suất mía trung bình rất cao (từ 100-140 tấn/ha), chữ đường bình quân khá (11-13 CCS), có khả năng phù hợp với thị hiếu và điều kiện canh tác mía ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Riêng giống K2000-89 cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thêm ở các vùng khác. Sau đây là lý lịch của các giống mía triển vọng này.
1. Giống mía K99-72
(Giống mía K99-72)
- Nguồn gốc: Do OCSB lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 1999, nhập nội về Việt Nam từ 2007, chính thức từ 12/2010.
- Bố mẹ: K84-200 x E-Hieu.
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường cao, đạt từ 13-14 CCS (trung bình 13,72 CCS). Năng suất mía cao, trung bình đạt từ 75-93,75 tấn/ha trong điều kiện không tưới chỉ sử dụng nước mưa và đạt từ 112,5-125 tấn/ha trong điều kiện có tưới. Đường kính thân trung bình 2,8-3 cm, chiều cao cây trung bình. Mật độ cây khá cao 6-7 cây/bụi, khả năng đẻ nhánh tốt, tốc độ tăng trưởng hơi chậm ở giai đoạn đầu. Ít trổ cờ, chống đổ ngã tốt. Kháng trung bình đối với bệnh than, bệnh thối đỏ. Kháng sâu đục thân tốt. Chín trung bình (11-13 tháng). Thích hợp với chân đất cát pha và đất sét.
2. Giống mía K99-75
- Nguồn gốc: Do OCSB lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 1999, nhập nội về Việt Nam từ 9/2010.
- Bố mẹ: K84-200 x đa giao.
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường khá, đạt từ 11-12 CCS. Năng suất mía rất cao, trung bình đạt từ 100-130 tấn/ha. Đường kính thân trung bình 2,5- 3 cm, chiều cao cây trung bình, mật độ cây cao 6-8 cây/bụi, khả năng đẻ nhánh tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh. Không trổ cờ, chống đổ ngã trung bình. Kháng trung bình đối với bệnh than, bệnh thối đỏ, hơi mẫn cảm với rầy đầu vàng, kháng sâu đục thân tốt. Chín trung bình sớm (11-12 tháng). Thích hợp với chân đất ruộng thoát nước tốt hoặc đất cao đủ ấm.
3. Giống mía K99-82
- Nguồn gốc: Do OCSB lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 1999, nhập nội về Việt Nam từ 9/2010.
- Bố mẹ: K84-200 x đa giao
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường khá, đạt từ 11-13 CCS. Năng suất mía rất cao, trung bình đạt từ 110 – 130 tấn/ha. Đường kính thân to 2,8- 3,3 cm, chiều cao cây cao, mật độ cây khá 5-7 cây/bụi, khả năng đẻ nhánh trung bình, tốc độ tăng trưởng hơi chậm ở giai đoạn đầu. Ít trổ cờ, chống đổ ngã trung bình. Kháng trung bình đối với bệnh than, bệnh thối đỏ, ít mẫn cảm rầy đầu vàng, kháng sâu đục thân tốt. Chín trung bình sớm (11-12 tháng). Thích hợp với chân đất thấp.
4. Giống mía K2000-89
- Nguồn gốc: Do OCSB lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 2000, nhập nội chính thức về Việt Nam từ tháng 12/2010.
- Bố mẹ: K84-200 x K83-74.
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường cao, đạt từ 12-13 CCS. Năng suất mía cao, đạt trung bình từ 93,75 – 106,25 tấn/ha trong điều kiện không tưới (chỉ sử dụng nước mưa) và đạt từ 112,5-137,5 tấn/ha trong điều kiện có tưới. Đường kính thân to 3-3,5 cm. Ít trổ cờ, hơi đổ ngã. Sức đẻ nhánh khá 5-6 cây/bụi, tốc độ tăng trưởng khá. Kháng trung bình đối với bệnh than, bệnh thối đỏ, sâu đục thân và bọ phấn trắng (white fly). Chín trung bình (12 tháng). Thích hợp với chân đất sét pha cát, tơi xốp, giàu mùn, thoát nước tốt.
5. Giống mía Kps01-25
- Nguồn gốc: Do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống mía Kampheng Saen, thuộc Trường Đại học Kasertsat lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 2001, nhập nội chính thức về Việt Nam từ tháng 12/2010.
- Bố mẹ: KPS94-13 x U thong 3
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường rất cao, đạt từ 13-15 CCS. Năng suất mía cao, trung bình đạt từ 112,5-125 tấn/ha. Đường kính thân to 3-4 cm. Sức đẻ nhánh cao 6-7 cây/bụi, tốc độ tăng trưởng khá. Ít trổ cờ chỉ thấy ở một số vùng, ít đổ ngã. Kháng trung bình đối với bệnh thối đỏ. Chín trung bình sớm (10-12 tháng). Thích hợp với nhiều chân đất như sét pha cát, đất cát và sét.
6. Giống mía Khonkaen 3
- Nguồn gốc: Do Trung tâm Nghiên cứu Cây trồng Suphanburi lai tạo và được Trường Đại học Khonkaen tuyển chọn, nhập nội chính thức về Việt Nam từ tháng 12/2010.
- Bố mẹ: 85-2-352 x K84-200
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường rất cao, đạt từ 13-15 CCS. Năng suất mía cao, trung bình đạt từ 106,25-112,5 tấn/ha. Đường kính thân trung bình 2,74 cm, tốc độ tăng trưởng hơi chậm ở giai đoạn đầu. Sức đẻ nhá tốt 6-7 cây/bụi. Không trổ cờ, chống đổ ngã tốt, lưu gốc tốt. Thích hợp với chân đất cát giàu mùn.
Có thể bạn quan tâm

Giống KM98-1 được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận năm 1999 cho các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Hai giống bắp nếp lai HN88 và HN90 lần đầu tiên khảo nghiệm, được khẳng định đã “bén duyên” trên đất Huế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế của người dân.

Hôm qua 11.7, tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh tổ chức hội nghị báo cáo kết quả mô hình sản xuất đậu phộng hè năm 2013. Đậu phụng là cây trồng xóa đói, giảm nghèo, ở những vùng không thể chủ động nước tưới, có thể mang lại hiệu quả cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với lúa. Mô hình được tiến hành thí điểm trên diện tích 7ha ở thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam với 110 hộ tham gia trồng giống mới L23 để so với giống truyền thống là sẻ Tây Nguyên.

Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh (Trung tâm KN - KN tỉnh) đã tiến hành thử nghiệm giống đậu phụng mới tại thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, huyện Thăng Bình). Kết quả bước đầu cho thấy, giống đậu phụng mới cho năng suất cao, có thể nhân rộng mô hình.