Các giống lúa chịu hạn

Bà Trịnh Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Khánh Hòa cho biết, vụ HT năm 2013 và 2014 Chi cục đã tiến hành khảo nghiệm một số giống lúa chịu hạn tại các địa điểm không chủ động nước, cho kết quả khả quan.
Đến năm 2015 Viện BVTV cùng với Chi cục đã kết hợp thực hiện mô hình “Đánh giá, tuyển chọn và khảo nghiệm bộ giống lúa chịu hạn thích ứng cho vùng duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu”.
Sau đó, Viện BVTV cung cấp bộ giống đưa vào khảo nghiệm gồm A17, A35 và LCH37. Các giống này từ lúc gieo đến lúc lúa đứng cái, nước đưa vào ruộng rất hạn chế, chủ yếu đưa nước vào khi bón phân 3 lần đầu, còn lại để ruộng khô nước. Giai đoạn lúa bắt đầu trổ, thực hiện đưa nước vào ruộng lần cuối, sau đó để ruộng khô đến lúc thu hoạch.
Sau một thời gian theo dõi mô hình ngoài đồng ruộng, nhìn chung 3 giống lúa trên đều cho năng suất cao hơn hẳn các giống địa phương, phù hợp với các khu vực không chủ động được nước tưới hoặc thiếu nước SX.
Ông Hiến Văn Long (xã Vạn Thạnh, TP Nha Trang) đã nhận 2 ha tham gia mô hình cho biết, khi bắt đầu gieo sạ đến nay cây lúa vẫn phát triển mạnh, không ảnh hưởng sâu bệnh, lá xanh, năng suất dự kiến trên 70 tạ/ha.
Một trong 30 đại biểu nông dân tham quan mô hình trình diễn, ông Hồ Thạnh (xã Vĩnh Phương, Nha Trang) đánh giá, cả 3 giống đều sinh trưởng phát triển mạnh, đẻ nhánh cao, bông dài và nặng. Còn ông Nguyễn Hoàng, nông dân ở xã Vĩnh Hiệp cho biết, vừa ăn thử cơm thấy gạo dẻo, trắng.
Tuy nhiên, nếu triển khai trồng, bà con vẫn ngại bởi các giống này cho năng suất cao nhưng chất lượng chưa đặc biệt. Hầu hết người dân ở đây đều dùng gạo chất lượng cao nên khi thu hoạch xong rất khó tiêu thụ.
Bà Bùi Thị Ngọc, đại diện Cty Nông Việt Trung (Đắk Lắk) cho biết, đầu năm nay người trồng lúa ở Đắk Lắk đều thiệt hại nặng do các giống không thích ứng nổi với thời tiết nóng khắc nghiệt và tình trạng thiếu nước tưới. Vì vậy Cty rất quan tâm đến buổi hội nghị đầu bờ này.
"Trước kết quả khả quan của mô hình, sau hội nghị Cty sẽ triển khai quảng bá giống lúa này trên Tây Nguyên vì năng suất 3 giống trồng ở Khánh Hòa mà trên 7 tấn/ha thì lên Tây Nguyên chắc chắn sẽ cao hơn nhiều", bà Ngọc nói.
Ông Tào Anh Tuấn, PGĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa đánh giá cao vai trò nghiên cứu ứng dụng của Viện BVTV trong chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Để bà con yên tâm đưa vào SX cần khuyến cáo biện pháp phòng trừ dịch bệnh và cần xác định thêm tính phù hợp các giống này đối với từng vùng SX, từng mùa cụ thể.
Có thể bạn quan tâm

“Năm 2012, tôi bắt đầu nuôi thỏ quy mô nhỏ ở gia đình. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đến nay tôi nhận thấy đây là mô hình có nhiều ưu điểm như tận dụng được tối đa nguồn thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại tại địa phương, ít dịch bệnh, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho chăn nuôi thỏ không quá tốn kém.

Vào tháng 1-2014, Báo SGGP đã có bài “Đừng để nông dân chịu cay”, phản ánh việc bà con nông dân ở tỉnh Nghệ An trồng ớt từ nguồn cung cấp giống của một người Trung Quốc. Một số địa phương vẫn âm thầm gieo trồng bất chấp những cảnh báo về dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm… Đến nay, ớt đã vào kỳ thu hoạch, nhưng không như lời hứa sẽ thu mua sản phẩm, thương lái Trung Quốc một đi không trở lại.

Lào Cai có đặc điểm khí hậu, địa hình thích hợp để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã trồng cây dược liệu làm hàng hóa, đem lại thu nhập khá và ổn định. Tỉnh có chủ trương không mở rộng diện tích trồng cây dược liệu ồ ạt, mà dựa trên cơ sở phân tích thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Trạm Khuyến nông huyện Phù Cát (Bình Định) vừa tổng kết mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa ĐV108 trên ruộng nhiễm phèn, mặn vụ Hè Thu ở xã Cát Minh.

Do nông dân ồ ạt lựa chọn giống OM 5451 để gieo sạ trong vụ Đông xuân 2014 - 2015, nên nhiều HTX và đại lý cung cấp lúa giống trên địa bàn huyện Long Mỹ đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung đối với loại giống này. Trước thực trạng này, ngành chức năng sẽ liên kết với các công ty doanh nghiệp để cung ứng nguồn giống chất lượng đáp ứng nhu cầu của bà con.