Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Thát Lát Cườm Ở Đức Linh (Bình Thuận)

Cá Thát Lát Cườm Ở Đức Linh (Bình Thuận)
Ngày đăng: 01/06/2013

Đến năm 2015, huyện Đức Linh (Bình Thuận) tập trung phát triển nuôi cá thát lát cườm tại các vùng đã quy hoạch nuôi tập trung, gồm Võ Xu 20 ha, Đa Kai 70 ha, Vũ Hòa 35 ha, Đức Tài 24 ha. Đồng thời ưu tiên phát triển, đẩy mạnh phong trào tại các xã có Chi hội nghề cá như Đông Hà, Trà Tân, Đức Hạnh, Đức Tín, Nam Chính.

Từ thực tế khó khăn

Đức Linh hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 1.000 ha. Trong đó, đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá thông thường có giá trị kinh tế thấp như trắm cỏ, mè, chép, rô phi, cá trôi… Những năm qua, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đang có xu hướng chậm lại. Nguyên nhân do diện tích nuôi phân tán, không tập trung, thị trường tiêu thụ bấp bênh, đối tượng nuôi chưa có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, hình thức nuôi chủ yếu quảng canh, bán thâm canh quy mô nhỏ. Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở các địa bàn lân cận như Tánh Linh, Định Quán - Đồng Nai. Mặt khác, trên địa bàn huyện chưa tập trung nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt các đối tượng phục vụ chế biến xuất khẩu...

Xuất phát từ thực trạng đó, vào thời điểm cuối năm 2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh đã xây dựng đề án nuôi cá thát lát cườm. Qua đó, mục tiêu giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt đối tượng nuôi mới, tạo vùng nguyên liệu, thị trường ổn định, tăng thu nhập trong sản xuất. Đây cũng là một trong những mô hình phát triển sản xuất khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Mô hình hứa hẹn hiệu quả kinh tế

Đến tháng 2/2013, Đề án phát triển nuôi cá thát lát cườm, giai đoạn 2013 - 2015 đã được UBND huyện Đức Linh chính thức phê duyệt. Ông Trương Quang Đến - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh cho biết, trong năm 2013, địa phương tiến hành hỗ trợ giống để người dân tiếp cận với đối tượng nuôi mới và tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật. Theo đó, trong tháng 5/2013, huyện đã hỗ trợ nông dân thả giống với diện tích 5 sào, tại 5 hộ có đủ điều kiện nuôi ở Trà Tân, Đức Tín, Đức Tài, Võ Xu, Nam Chính. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 100% giống và vật tư, tập huấn kỹ thuật theo chính sách khuyến nông, với tổng mức hỗ trợ trong năm 2013 là 33,5 triệu đồng.

Được biết, giá giống thát lát cườm từ 3.000 - 5.000 đồng/con. Từ ngày thả cá giống vào ao nuôi đến khi thu hoạch là 10 tháng. Lúc này, trọng lượng mỗi con cá thát lát cườm đạt khoảng 1,2kg. Với giá bán ở thị trường hiện nay từ 60.000 - 90.000 đồng/kg, người nuôi có thể yên tâm đầu tư và hưởng lợi. Đặc biệt, đối với bà con tham gia mô hình nuôi cá thát lát cườm ở Đức Linh, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tiến hành liên kết với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh để thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời khuyến khích phát triển hình thức ký hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi hoặc đại diện các hộ người nuôi với các tổ chức kinh tế hợp tác.

Mặc dù việc triển khai thực hiện nuôi cá thát lát cườm đang bước vào giai đoạn đầu, với không ít những khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, đề án đang từng bước định hướng cho người dân huyện Đức Linh một cách làm mới, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả trên đơn vị diện tích. Hơn thế nữa, mục đích mà đề án hướng đến là khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cá thát lát. Trong đó coi trọng phát triển kinh tế hộ để tận dụng nguồn lực của địa phương, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.

Cá thát lát cườm (còn gọi là cá nàng hai) là loài cá nước ngọt, có kích thước tăng trưởng nhanh hơn cá thát lát bản thường, sống nhiều ở các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma... Ở nước ta, cá thát lát cườm tập trung từ khu vực miền Trung trở vào. Đây là loài cá có chất lượng thịt ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn cao cấp. Trong tự nhiên, cá bị khai thác quá mức nên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Hiện nay, các cơ sở sản xuất có thể lai tạo giống giúp người nuôi chủ động hơn, không phải phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên.


Có thể bạn quan tâm

Nâng Cao Tính Cạnh Tranh Của Ngành Chăn Nuôi Nâng Cao Tính Cạnh Tranh Của Ngành Chăn Nuôi

Cấu trúc ngành chăn nuôi đang thay đổi nhanh, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín quy mô lớn, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm tại các hệ thống siêu thị và phân phối lớn. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc nhiều từ nhập khẩu con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong khi giá các yếu tố này ngày càng tăng cao…

19/11/2014
Hiệu Quả Từ Chăn Nuôi Lợn Gia Công Hiệu Quả Từ Chăn Nuôi Lợn Gia Công

Trong khi nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu vốn, dịch bệnh và thị trường bấp bênh thì mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Đào Văn Hiểu, ở xóm Rẫy, xã Đào Xá (Phú Bình) vẫn đứng vững nhờ biết liên kết với doanh nghiệp, áp dụng mô hình chăn nuôi lợn gia công theo kỹ thuật tiên tiến. Tuy mới xây dựng được hơn 2 năm nay, song mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

19/11/2014
Phụng Hiệp (Hậu Giang) Thu Hoạch Gần 6.000ha Mía Phụng Hiệp (Hậu Giang) Thu Hoạch Gần 6.000ha Mía

Thông tin từ ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, đến nay, toàn huyện đã thu hoạch gần 6.000ha mía, chiếm hơn 71% diện tích toàn huyện. Hiện tại, các vùng mía thường bị ngập sâu ở các xã như: Hòa Mỹ, Phương Bình, Hòa An, Phụng Hiệp,… bà con thu hoạch mía cơ bản dứt điểm, chỉ còn lại ở những địa phương có nền đất cao, không bị đe dọa nước lũ.

19/11/2014
Ghép Thành Công Giống Mướp Hương Quả Dài Ghép Thành Công Giống Mướp Hương Quả Dài

Anh Đạo cho biết, mới đầu nghĩ chỉ thử làm cho vui, nào ngờ cây mướp lại đậu trái ngoài mong đợi. Để có được những quả mướp hương dài, thơm như vậy, anh đã gieo đồng thời 7 hạt mướp hương với 7 hạt mướp giống quả dài. Khi cây nảy mầm, phát triển được 15 ngày, anh Đạo cắt ngọn mướp hương ghép vào gốc mướp quả dài.

19/11/2014
Mô Hình Trồng Bắp Lai Ở Ân Phong Lợi Nhuận Tăng Gấp Đôi Mô Hình Trồng Bắp Lai Ở Ân Phong Lợi Nhuận Tăng Gấp Đôi

Mô hình chuyển đổi đất sản xuất 3 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai được triển khai tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định trong vụ Mùa 2014, quy mô 4,3 ha, gồm 32 hộ tham gia, sản xuất bằng giống bắp PAC 999 và CP 333. Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón, tập huấn kỹ thuật...

19/11/2014