Cá sặc nuôi ế ẩm

ÔNG Trần Đình Vân (thôn Tân Phú) thả nuôi hơn 2.500 con giống cá sặc trong lồng trên sông Trường Giang từ tháng 3.2015.
Qua 6 tháng nuôi đã đến kỳ thu hoạch cách đây hàng chục ngày nhưng đến nay vợ chồng ông vẫn loay hoay đủ cách để tìm mối bán cá.
Ông Vân than thở: “Theo tính toán, qua gần 6 tháng nuôi, chúng tôi chi phí cho con giống, thức ăn lên đến hơn 80 triệu đồng.
Hiện tại, cá nuôi trong lồng có trọng lượng từ 0,4 đến 1kg, trừ hao hụt, xuất bán hết, nếu được trên 1 tấn vẫn chưa hòa vốn vì giá hạ quá mà ngặt một nỗi không có người mua hết chỗ cá này.
Giữ cá lại, mỗi ngày phải tốn 3 - 4 trăm nghìn đồng, mà cá càng lớn càng khó bán”.
Hiện ở thôn Phú Tân (xã Tam Xuân 1) cũng có hàng chục hộ nuôi cá sặc chưa xuất bán được.
Lồng nuôi cá sặc trên sông Trường Giang.
Năm nay, giá cá sặc nuôi từ 90 nghìn đồng/kg tụt xuống còn 65 rồi 60 nghìn đồng/kg.
Giá đã hạ nhưng người mua hạn chế.
Tại thôn Phú Tân, hàng chục hộ nuôi cá sặc lồng nhưng với quy mô nhỏ hơn (mỗi hộ chừng 1.000 con giống).
Các hộ ông Lê Văn Sơn, Lê Văn Bảy, Hồ Văn Mân… tranh thủ xuất cá sớm từ giữa tháng 8 dương lịch, bán được 80 - 85 nghìn đồng/kg.
Tuy vậy, để bán hết số lượng cá sặc nuôi, dù không nhiều, các hộ đã phải xuất từng đợt trong nhiều ngày, mỗi ngày chừng vài chục ký cho tư thương ở Tam Kỳ.
Xuất bán sớm được giá, mỗi hộ nuôi từ 1.000 - 1.500 con cá sặc ở thôn Phú Tân thu lãi trên dưới 20 triệu đồng.
Được giá đầu mùa nhưng đến thời điểm này cá sặc nuôi lại tụt giá mạnh và ế ẩm, nhiều hộ nuôi đang rất lo lắng.
Cá sặc được mệnh danh là “chúa tể” của các loài thủy sản ở vùng sông rạch vì thịt béo, thơm ngon.
Trước đây, ngư dân không dễ đánh bắt được nhưng gần đây, nhiều hộ dân triển khai mô hình nuôi trồng loài thủy sản này.
Nghề nuôi cá sặc phát triển mạnh ở xã Tam Xuân 1, Tam Hòa, thôn Tân Phú từ năm 2013.
Người đi tiên phong trong nghề này ở Tam Xuân 1 là anh Lê Minh Hải (thôn Phú Tân).
Năm 2013, anh vào tận Nha Trang mua 1.000 con giống cá sặc về nuôi.
Cá sặc giống có chiều dài chừng vài phân mua với giá 3 nghìn đồng/con.
Đem giống về, anh Hải làm lồng bọc luới ny lon rộng chừng 30m2, cao khoảng 3m và thả nuôi ở vùng hạ du sông Tam Kỳ.
Năm đó, với giá dao động 80 - 100 nghìn đồng/kg, anh Hải thu lãi 15 triệu đồng.
Anh nói: “Số tiền lãi không phải là lớn nhưng có giá trị cao vì nuôi cá sặc ít tốn công lại dễ nuôi”.
Nhận thấy nuôi cá sặc đem lại hiệu quả khá, năm nay hàng trăm hộ dân vùng ven sông Trường Giang thả nuôi, có hộ nuôi đến vài ba nghìn con cá giống.
Cá phát triển tương đối tốt nhưng người dân đang đối mặt với khó khăn trong việc tìm mối tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Là huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh Bắc Giang nên những năm qua, chính quyền và người dân Yên Thế luôn coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Hiện giá mía nguyên liệu thu mua tại nhà máy là 910 đồng một ký cho mía 10 chữ đường. Tuy nhiên do thiếu phương tiện vận chuyển nên đa số người trồng mía thường bán sô tại ruộng với giá 650 đ/kg.

Tính đến cuối tháng 2/2014, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 7.228 tàu cá với tổng công suất 379.602CV, bình quân 55,9CV/tàu. Do bà con chủ động tốt việc thăm dò ngư trường và tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, nuôi thả, nên tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản của tỉnh vẫn đạt kết quả khá.

Xã Nhơn Lý có trên 55% số hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Toàn xã có trên 332 tàu thuyền, trong đó có 14 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, số còn lại chuyên đánh bắt ở ngư trường trong tỉnh.

Theo ngư dân xã An Ninh Đông, mùa vụ khai thác tôm hùm giống từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Đây là vụ khai thác tôm hùm giống trúng đậm nhất từ 3 năm trở lại đây ở địa phương này.