Cà phê mất mùa, mất giá

Niên vụ 2015 - 2016, nhiều diện tích cà phê ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đợt hạn hán kéo dài trong những tháng đầu năm đã làm cho quá trình sinh trưởng phát triển cây cà phê không theo quy luật bình thường.
Cà phê chín sớm hơn những năm trước, hạt cà phê nhỏ hơn.
Nhiều nông dân nhìn vườn cà phê chín sớm của mình với một tâm trạng đầy lo lắng bởi giá cả đầu vụ rất thấp, năng suất chắc chắn không đạt trong khi chi phí đầu tư và công lao động ngày càng tăng cao.
Ông Trần Quang Thắng (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đang canh tác 2 ha cà phê.
Ông cho biết: “Vụ cà phê này chín sớm hơn mọi năm làm đảo lộn thời gian thu hoạch, trong khi giá đầu vụ chỉ xấp xỉ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kg quả tươi.
Với tiền thuê nhân công thu hái tương đương 2.000 đồng/kg, chưa kể chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc thì với mức giá như hiện nay gia đình tôi lỗ nặng.
Dù vậy cũng không thể bỏ vườn cây được nên tôi phải thu hoạch hy vọng vớt vát được phần nào tốt phần đó”.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng-một nông dân trồng cà phê ở xã Ia Sao-cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 ha cà phê, thời gian gần đây, giá cà phê xuống thấp, có thu hoạch cũng không đủ chi phí bỏ ra, nông dân chúng tôi rất lo lắng.
Nếu giá tiếp tục giảm như hiện nay thì đến thời điểm chính vụ không biết giá cà phê có tăng không đó là câu hỏi chưa có lời giải”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê của gia đình, anh Nguyễn Đình Thắng (xã Al Bá, huyện Chư Sê) cho biết: “Do thiếu nước tưới trong thời gian chăm sóc nên vườn cà phê nhà tôi năng suất không cao.
Khi cà phê chín, hái xuống mới biết trong chùm quả có quá nhiều hạt lép.
Năm nay ít mưa, bón phân không đủ định suất nên cà phê quả nhỏ, hạt lép, hạt một nhân xuất hiện nhiều.
Theo ước tính, năng suất chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha, thấp hơn vụ cà phê năm ngoái.
Giá cà phê nhân năm ngoái ổn định 42.000 đồng/kg thì nay giảm xuống chỉ còn 34.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay những ngày đầu vụ thu hoạch, giá cà phê nhân xuất khẩu đột ngột giảm mạnh và liên tục giảm trong những ngày qua, từ 1.703 USD/tấn rồi xuống 1.689 USD/tấn và hiện tại chỉ còn 1.595 USD/tấn.
Giá giảm bất ngờ làm cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người trồng cà phê thấp thỏm lo âu.
Cà phê rớt giá làm nhiều nông hộ “tiến thoái lưỡng nan” bán cũng không xong mà tiếp tục ghim hàng thì phập phồng lo lắng.
Nhiều nông dân lo lắng nếu bước vào vụ thu hoạch mà giá cà phê rớt thấp quá, năng suất cà phê không đạt trong khi chi phí đầu tư, thuê mướn nhân công cao nên nếu bán vào thời điểm này chắc chắn sẽ lỗ.
Cà phê đã bắt đầu chín, nhưng một số hộ nông dân vẫn chưa muốn thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Triều (xã Diên Phú, TP. Pleiku) cho biết: “Công thuê hái cà phê vụ này tăng 20.000 đồng/ngày, trong khi giá cà phê lại quá thấp.
Nếu thuê nhân công thu hoạch thì chỉ vừa đủ trả tiền công.
Vì thế, tôi đành tự hái được đến đâu hay đến đó chứ không dám thuê nhân công”.
Có thể bạn quan tâm

Trong năm 2015, dự báo kim ngạch XK vào thị trường Australia tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt đối với ngành hàng nông, thủy sản.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2015 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bàn giải pháp chống hạn cho sản xuất vừa tổ chức tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT đề ra kế hoạch vụ mùa đến toàn vùng chuyển đổi 8.891ha. Trong đó Tây Nguyên 4.466ha, vùng duyên hải Nam Trung Bộ 4.425ha, Phú Yên chuyển đổi 500ha sang trồng bắp, đậu các loại.

Ông Dương Huy Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết: Vụ lúa hè - thu, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện; Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn phân bón Lio Thái xây dựng cánh đồng lúa theo hướng VietGAP tại ấp Thanh Nguyên B với diện tích 100ha, có 46 hộ nông dân tham gia.

Tình trạng sông Ba Lai chưa được khép kín là nguyên nhân làm sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre bị thiếu nước.

Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đang áp dụng thành công mô hình trồng mè xen canh với lúa đông xuân và hè thu. Mô hình này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/héc-ta, mà còn tăng thêm màu mỡ đất và tạo việc làm cho lao động địa phương...