Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cà Phê Huyện Sông Hinh (Phú Yên) Được Giá, Người Vui Kẻ Buồn

Cà Phê Huyện Sông Hinh (Phú Yên) Được Giá, Người Vui Kẻ Buồn
Ngày đăng: 14/10/2014

Chưa năm nào năng suất tại các vườn cà phê ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) lại có mức chênh lệch cao như năm nay. Tuy được giá, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không có thu nhập cao do năng suất thấp. Trong khi đó, một số hộ gia đình khác lại trúng lớn vì được mùa.

Trúng lớn nhờ được mùa được giá

Trên con đường bê tông dẫn vào đội 2 của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá (thuộc thôn Ea M’Keng, xã Ea Bar), gia đình chị Bùi Lệ Hằng đang thu hoạch cà phê đầu vụ. Chị Hằng hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi có trên 2 ha cà phê, đến nay đã thu hoạch xong 0,5 ha, năng suất ước đạt trên 20 tấn/ha. Đây là vụ có năng suất cao nhất từ trước tới nay kể từ khi gia đình tôi trồng cà phê.

Năm nay, cà phê lại được giá nên tôi cũng như nhiều gia đình ở đây rất phấn khởi”. Làm một phép tính đơn giản, với giá thu mua hiện nay của tiểu thương là 7.500 đồng/kg cà phê tươi tại vườn thì gia đình chị Hằng có tổng doanh thu trên 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí chăm sóc và công thu hoạch, gia đình chị lãi được khoảng 220 triệu đồng.

Cùng chung niềm vui như gia đình chị Hằng, vợ chồng anh Đặng Đình Trung ở đội 2 có 2 ha trồng cà phê với tổng sản lượng khoảng 50 tấn; gia đình anh Lê Văn Phước ở đội 1 có gần 2 ha, gia đình anh Cao Văn Bích ở đội 3 có 3 ha đều cho năng suất trên 20 tấn/ha.

Cá biệt, gia đình ông Nguyễn Trọng Đương ở đội 6 có 1,5 ha đạt năng suất trên 30 tấn/ha, và đây là hộ có vườn cà phê cho năng suất cao nhất toàn công ty.

Theo ông Vũ Đức Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá, công ty có 553 ha cà phê thu hoạch vụ này, trong đó 20% diện tích có năng suất đạt từ 20 đến 25 tấn/ha. Với năng suất và giá cả ổn định như hiện nay, người trồng cà phê tại công ty có một mùa bội thu.

Thu nhập thấp vì không đầu tư

Ngược lại với những vườn cà phê đạt năng suất cao ở Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá, trong vụ này, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Sông Hinh có vườn cà phê đạt năng suất rất thấp.

Nguyên nhân chính là do trong những năm qua, cà phê liên tục rớt giá, có thời điểm giá chỉ còn 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kg nên người dân thờ ơ với cây cà phê. Mặt khác, trong 4 năm qua, hầu hết các vườn cà phê trên địa bàn huyện bị ức chế muộn nên đến đầu tháng 4 hàng năm mới ra hoa. Vào thời điểm trên, mưa lớn lại liên tục xảy ra nên tỉ lệ đậu trái của các vườn cà phê này rất thấp.

Đỉnh điểm của việc nông dân quay lưng lại với cây cà phê là cuối năm 2013, hàng chục hộ dân ở huyện Sông Hinh đã chặt bỏ gần 40ha cà phê đang trong thời kỳ khai thác để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết, năm nay, cà phê được giá song diện tích cà phê của bà con nông dân (ngoài Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá) chỉ đạt từ 5 đến 7 tấn/ha do không được đầu tư chăm sóc tốt. Với năng suất này, người trồng cà phê chỉ hòa vốn hoặc có lãi chút đỉnh. Tuy nhiên, năng suất trên vẫn gấp đôi so với năng suất cà phê vụ trước nhờ các đợt ra hoa không dính mưa lớn nên tỉ lệ đậu trái cao.

Theo ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, toàn huyện hiện có khoảng 1.500 ha cà phê, trong đó, 1.300 ha đang trong thời kỳ khai thác. Ngoài 553 ha của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá được đầu tư bài bản thì diện tích còn lại của các hộ dân vẫn chưa được đầu tư, chăm sóc tốt; vì vậy, năm nay mặc dù cà phê được giá nhưng bà con vẫn không có lãi.

Vấn đề này UBND huyện đã khuyến cáo với nông dân, nhất là đối với những hộ có quỹ đất nhiều không nên đầu tư trồng một loại cây chuyên biệt mà phải trồng nhiều loại cây để tránh rủi ro khi giá cả thị trường biến động.

Mặt khác, khi đã trồng cây công nghiệp dài ngày thì phải chấp nhận giá cả khi lên, khi xuống và có giải pháp đầu tư, chăm sóc hợp lý, tránh tình trạng phá bỏ khi giá xuống thấp, ồ ạt trồng mới khi giá cả lên cao làm xáo trộn quy hoạch của huyện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.


Có thể bạn quan tâm

Thoát cảnh ăn sáng lo trưa, khấm khá hơn nhờ cừu Thoát cảnh ăn sáng lo trưa, khấm khá hơn nhờ cừu

15 năm về trước, kinh tế gia đình anh Nguyễn Thành Nga (thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) rất khó khăn, tình cảnh “ăn sáng lo trưa”. Gia đình anh chỉ khá lên kể từ khi anh vay được nguồn vốn của Ngân hàng NNPTNT huyện Thuận Bắc để làm ăn.

14/09/2015
Kinh nghiệm phát triển Hội ở vùng đô thị hóa Kinh nghiệm phát triển Hội ở vùng đô thị hóa

Ý kiến trao đổi của ông Nguyễn Hữu Trí - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) sẽ góp phần làm rõ hơn kinh nghiệm, giải pháp xây dựng và phát triển Hội ND ở các vùng đô thị hóa hiện nay.

14/09/2015
Khởi nghiệp chăn nuôi chỉ với 500.000 đồng Khởi nghiệp chăn nuôi chỉ với 500.000 đồng

Sinh ra trong gia đình nghèo tại bản Thèn Pả, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu), anh Giàng A Sinh, dân tộc Mông, sinh năm 1970 sớm có suy nghĩ, trăn trở tìm cách vượt khó.

14/09/2015
Cần hạ lãi suất với ngành chăn nuôi Cần hạ lãi suất với ngành chăn nuôi

Ngày 9.9, Liên minh Nông nghiệp tổ chức Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam với chủ đề “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam”.

14/09/2015
Nhu cầu tiêu dùng cao, rau củ Đà Lạt tăng giá Nhu cầu tiêu dùng cao, rau củ Đà Lạt tăng giá

Hiện đang vào mùa thu hoạch chính của các loại rau củ đặc sản của Đà Lạt (Lâm Đồng) như xà lách, cà chua, súp lơ, bắp cải, cải thảo, nhưng do thị trường đang tiêu thụ mạnh nên giá các loại rau tăng cao so với tháng trước. Giá tăng nhưng các mặt hàng rau, củ Đà Lạt vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thu mua và xuất khẩu của các cơ sở kinh doanh tại Đà Lạt.

14/09/2015