Nghề Trồng Ấu Gặp Khó Khăn

Nhiều năm qua, người dân thuộc ấp An Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) chọn cây ấu làm cây trồng cải thiện thu nhập vào mùa nước nổi.
Những cánh đồng ấu không ngừng gia tăng diện tích. Chỉ riêng ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò đã có hàng trăm hécta mặt nước được trồng ấu. Với 4 công đất ruộng nằm gần quốc lộ 80, vào mùa nước nổi, vợ chồng anh Lê Phước Dũng ngụ ấp An Nhơn, xã Long Hưng B đã trồng và bán hàng trăm giạ ấu trái. Giống ấu mà vợ chồng anh đang trồng là ấu Đài Loan. Với kinh nghiệm trồng ấu lâu năm, anh Dũng cho biết, trồng ấu đầu tư công sức, phân thuốc nhiều hơn trồng lúa, nhưng thu nhập cao hơn nên bà con chuộng trồng ấu.
Theo anh, quy trình trồng ấu như sau: Khi thu hoạch lúa hè thu xong, sử dụng máy xới trục đất rồi khai nước để cấy ấu giống, (rải củ ấu già xuống ươm). Vài hôm sau, khi ấu mọc lên trên nước, thân như cọng bông súng, sau đó nhổ củ ấu đem giậm lên đất ruộng, khi ấu nở lên khoảng 5 - 7 buội thì đem trồng lên cả ruộng. Mỗi buội ấu cách nhau từ 1 - 1,5m, một công có thể trồng được khoảng 800 buội ấu.
Trồng ấu cũng phải xịt thuốc trừ sâu, tưới phân như trồng lúa. Ít người nắm vững kỹ thuật trồng ấu để cho ấu trúng mùa, nên phần lớn là trông cậy vào thiên nhiên. Sau 3 tháng trồng có thể thu hoạch, từ 7 - 10 ngày hái ấu 1 lần. Cây ấu sẽ ít củ dần và tàn lụi sau 6-7 đợt thu hoạch.
Hiện giá ấu sống khoảng 5.000 đồng/kg, ấu đã nấu chín có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Những năm trước, sau khi thu hoạch trừ chi phí người trồng ấu còn lời khoảng 4 - 5 triệu đồng/công. Năm nay, tình hình trồng ấu không thuận lợi bằng mọi năm, năng suất giảm chỉ còn 50%, giá ấu thấp nên số tiền lời chỉ còn bằng nửa năm ngoái. Nguyên nhân giảm năng suất là do ấu trồng lâu năm nên bị thoái hóa, mắc bệnh nhiều. Hơn nữa, ấu là mặt hàng độc quyền của các công ty Đài Loan, chính vì vậy đã xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu và giá ấu ngày càng giảm dần theo mỗi năm.
Thời gian qua, nghề trồng ấu cũng giải quyết được vấn đề lao động nông thôn. Bà con nông dân theo nghề đều mong chính quyền địa phương quan tâm đến việc lai tạo giống ấu, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cách phòng bệnh trên cây ấu và tạo điều kiện cho sản phẩm đến với thị trường, tiêu thụ thuận lợi hơn.
Có thể bạn quan tâm

Phân bón cho cây trồng nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng có thể qui tập vào những nhóm chủ yếu: phân hữu cơ (cả hữu cơ vi sinh); phân vô cơ (phân đa lượng, trung lượng, vi lượng); phân vi sinh vật. Phân hữu cơ và phân vô cơ đều cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhưng không thể thay thế cho nhau.

Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) mới đi vào hoạt động được một năm nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Nhìn cơ ngơi làm ăn bề thế của anh nông dân trẻ Phạm Văn Tiến ít ai ngờ nơi đây nguyên là vùng sỏi đá. Bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh biến đồi hoang thành những vườn nho bốn mùa cho trái ngọt và những thửa ruộng vàng thơm sắc lúa. Anh Tiến là điển hình tiêu biểu của lớp nông dân trẻ sinh trưởng sau mùa xuân 1975 năng động có kiến thức vươn lên làm giàu bền vững ở xã Nhị Hà.

Trở lại xã Quảng Sơn vào những ngày giữa tháng ba, chúng tôi gặp nông dân địa phương khẩn trương thu hoạch mía đường. Hàng chục chiếc xe tải xuôi ngược đi về chở mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến đường Phan Rang.