Cà Mau Thiếu Nguồn Tôm Giống Chân Trắng Chất Lượng

Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng. Ngành chức năng chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng giống tôm chân trắng. Vì thế, người nuôi tôm có nguy cơ thiếu nguồn tôm giống chất lượng.
Diện tích tăng nhanh
Do nhiều nông dân trúng lớn khi chuyển từ con tôm sú sang tôm chân trắng nên diện tích thả nuôi trong thời gian gần đây liên tục được mở rộng. Theo ngành chức năng, hầu hết diện tích quy hoạch nuôi tôm công nghiệp hiện nay gần 6.500 ha đã được người dân chuyển sang nuôi đối tượng này. Ngoài ra, còn rất nhiều hộ nuôi ghép với tôm sú theo hình thức quảng canh truyền thống và quảng canh cải tiến năng suất cao.
Theo nhiều người có kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp, với lợi thế thời gian nuôi ngắn, sản lượng cao, không bao lâu nữa diện tích nuôi tôm chân trắng sẽ lấn át diện tích nuôi tôm sú. Khi diện tích nuôi thẻ chân trắng tăng nhanh, tỉnh chưa sản xuất giống tôm chân trắng, tình trạng khan hiếm con giống, dịch bệnh bùng phát, thị trường đầu ra mất cân đối… Đây sẽ là điều mà người nuôi tôm cùng ngành nông nghiệp phải tìm cách đối phó trong những vụ nuôi tiếp theo.
Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Tiết Tiến Dũng cho biết, trước đây tỉnh có quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng gần đây tỉnh cho phép nuôi tôm chân trắng chung với tôm sú theo hình thức công nghiệp ở những khu quy hoạch nuôi tôm công nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh chỉ cho chủ trương nuôi thẻ chân trắng ở loại hình công nghiệp, không được nuôi các loại hình khác. Quy định là vậy, nhưng gần đây do thời gian nuôi tôm chân trắng ngắn, rủi ro ít so với tôm sú, giá thành cao nên nhiều người dân đã tự phát nuôi tôm chân trắng ngoài vùng quy hoạch. Đây là vấn đề rất khó, ngành chức năng chưa có cách giải quyết triệt để.
Thiếu nguồn tôm giống chất lượng
Hiện nay, phong trào nuôi tôm chân trắng phát triển mạnh ở nhiều nơi càng gây khan hiếm con giống. Theo ước tính của ngành chuyên môn, trong năm 2014 tỉnh cần khoảng 10 tỷ con giống thẻ chân trắng để đáp ứng nhu cầu thả nuôi của người dân.
Thế nhưng, tỉnh không sản xuất được, phải nhập từ các tỉnh miền Trung. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng con giống tôm thẻ chân trắng.
Theo Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn nghề nuôi tôm phát triển bền vững, cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất tôm giống, nhất là nguồn gốc tôm bố mẹ. Do đó, việc quản lý sản xuất tôm giống hiện vẫn trông chờ vào “lương tâm” của các nhà sản xuất giống.
Tình trạng tôm chết ở nhiều địa phương trong những năm gần đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng con giống chưa bảo đảm. Trên thực tế, nguồn lực của người nuôi tôm cũng như việc quản lý Nhà nước về con giống, thức ăn, thuốc, hoá chất dùng trong nuôi tôm còn hạn chế, điều kiện cơ sở hạ tầng, thuỷ lợi còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nuôi tôm chân trắng đòi hỏi nguồn vốn, điều kiện cơ sở hạ tầng đầy đủ.
Hiện công tác quản lý chất lượng tôm giống chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một lượng lớn tôm giống không rõ nguồn gốc, tôm kém chất lượng, không sạch bệnh được bán tràn lan. Đây là nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho nghề nuôi tôm.
Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Vì thế, nỗi lo về con giống kém chất lượng của người nuôi tôm sẽ vẫn còn kéo dài.
Có thể bạn quan tâm

Chưa bao giờ nông dân trồng mía ở các tỉnh ĐBSCL lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay, khi giá bán quá thấp khiến nhiều hộ thua lỗ liên tục. Tình trạng bỏ đất trồng mía đang diễn ra nhiều nơi làm cho các ngành chức năng và nhà máy đường đau đầu. Song mọi nỗ lực cứu nông dân trồng mía vẫn đang là bài toán khó.

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều mô hình và dự án về sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, bền vững với môi trường nhằm hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiện đại trong tương lai. Nhiều mô hình được triển khai và ứng dụng thành công, trong đó mô hình “Công nghệ sinh thái trên ruộng lúa” được đánh giá cao và đồng tình từ bà con nông dân.

Rất nhiều giống cây trồng có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đã được Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM đem về trồng thử nghiệm, cho kết quả khả quan.

Tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê trong những năm qua, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện tổng diện tích cây tiêu trên toàn huyện có gần 3.000 ha.

Nhiều chủ vườn ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang rơi vào tình trạng kiệt quệ khi từ đầu năm 2013 đến nay, cả hai vụ xoài đều mất mùa. Xót nhất là xoài trái vụ năm nay đã bị mất trắng khi thời kỳ xoài ra hoa đậu quả gặp mưa liên tục do ảnh hưởng của các cơn bão số 13, 14, 15 và áp thấp nhiệt đới…