Cà Mau Nuôi Chim Yến Khó Quản Lý Vì Chưa Có Văn Bản Quy Định Tiêu Chuẩn

Mấy năm gần đây, phong trào nuôi chim yến trên địa bàn Cà Mau phát triển mạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân, giải quyết nguồn lao động lớn cho địa phương.
Tuy nhiên, đây là loại chim hoang dã, rất khó kiểm soát, chưa có cơ quan nào quản lý bởi đến nay ngành chức năng chưa có văn bản quy định tiêu chuẩn về nuôi chim yến, ngoại trừ Thông tư số 35/2013/ TT-BNN&PTNT quy định tạm thời về quản lý chim yến.
Theo số liệu điều tra gần đây, toàn tỉnh hiện có 73 hộ nuôi chim yến với diện tích 7.329 m2, ước tổng đàn 9.248 con. Phương thức nuôi chủ yếu là dẫn dụ thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến trú ngụ và làm tổ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết, hiện chưa có văn bản quy đinh về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình kỹ thuật nuôi chim yến, quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm cũng như chủ trương phát triển, quy hoạch nuôi chim yến.
Vì vậy, để bảo đảm vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh trên đàn chim yến có hiệu quả, không gây ảnh hưởng sức khoẻ đến con người và các loại vật nuôi khác, giải pháp hiện nay chủ yếu là tập trung tổ chức thực hiện theo Thông tư số 35/2013/TT-BNN&PTNT ngày 22/7/2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi yến.
Theo thông tư này, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN&PTNT hoặc phòng kinh tế các huyện, thành phố. Các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở nuôi chim yến phải phù hợp với quy hoạch hoặc sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện.
Ngoài ra, Điều 4, Thông tư số 35 nêu rõ chủ cơ sở nuôi chim yến sử dụng âm thanh dẫn dụ, cường độ âm thanh không vượt quá 70 dB trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, phải bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh…
Nhưng qua ghi nhận của chúng tôi, hầu hết cơ sở nuôi chim yến trong tỉnh không giảm âm thanh theo Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT quy định. Điều đáng nói là các cơ sở dẫn dụ chim yếu đều nằm trong khu dân cư đông đúc và hầu hết các điểm nuôi chim yến dùng nhà ở để dẫn dụ và nuôi chim yến không bảo đảm an toàn vệ sinh thú y.
Chị N.T.H, nhà ở khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, than vãn, ngày cũng như đêm, lúc nào cũng nghe tiếng máy dẫn dụ chim yến của nhà bên cạnh kêu vang. Đặc biệt, khi đêm xuống tiếng kêu càng to, gây khó khăn trong sinh hoạt gia đình, ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu. Đó chưa kể đến việc điểm nuôi yến này sẽ phát tán dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Cà Mau, cho biết, chim yến là loài chim hoang dã, rất khó kiểm soát và chưa có cơ quan nào quản lý. Khi xảy ra dịch bệnh, việc xử lý khống chế ổ dịch cũng hết sức khó khăn, bởi việc triển khai tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1 cho đàn chim là không thể thực hiện được. Ngành chức năng chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn quản lý các cơ sở dẫn dụ chim yến nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Theo khuyến cáo ngành chuyên môn, về lâu dài, việc phát triển nghề nuôi chim yến cần phải được quy hoạch xa khu dân cư, không được nuôi trong nội ô. Tránh tình trạng làm nhà ở bên dưới, dụ yến vào nuôi ở tầng trên, khi có dịch bệnh xảy ra thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người.
Có thể bạn quan tâm

Sau đề án tái cơ cấu của Bộ NN-PTNT, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng xây dựng đề án riêng. Theo các chuyên gia, cần phải có vai trò của đầu mối để tăng cường mối liên kết vùng, chứ không thể để tự mỗi địa phương làm theo ý riêng của mình.

Được thành lập năm 1998, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vân Hùng (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) có nhiệm vụ chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến năm 2002 chuyển sang quản lý điện, công trình nước sạch và các khâu dịch vụ. Hiện nay HTX có 1.270 xã viên, trong đó có 39 người trực tiếp làm 7 dịch vụ: Thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, điện, vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt.

Ngày 24.11, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, xây dựng đề án khuyến công cho hơn 60 học viên là cán bộ chuyên trách công tác khuyến công và cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn của huyện.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, ông Cao Văn Tâm quyết chí phải làm giàu bằng chính nghề nông truyền thống của ông cha. Hằng ngày, ông tìm đọc sách báo, xem truyền hình để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả được truyền thông giới thiệu. Sau một thời gian tìm tòi, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mượn thêm tiền tích góp xây dựng chuồng trại nuôi gà, kết hợp với chăn nuôi gia súc và trồng rừng.

Với 100 triệu đồng nguồn vốn tài trợ từ tỉnh Đông Flander (Vương quốc Bỉ), Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt đã trồng, chăm sóc thực nghiệm giống dâu tây Mỹ Thơm và giống dâu tây Newzealand trên diện tích 100m2 nhà lưới hở.