Cá Đồng Lạc Địa Phát Triển Trở Lại

Để khôi phục nghề nuôi cá đồng từ xưa của nông dân, năm 2002, Sở Thủy sản Bến Tre đầu tư Dự án “Phục hồi nghề nuôi cá đồng Lạc Địa” tại xã Phú Lễ (Ba Tri - Bến Tre).
Theo đó, Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như nạo vét kênh mương, đắp bờ bao, cống thoát nước, phân lô sản xuất và tổ sản xuất. Đến năm 2007, xã Phú Lễ tiến hành thành lập Hợp tác xã nuôi cá nước ngọt Lạc Địa. Tuy nhiên, loại hình này hoạt động chưa phù hợp dẫn đến hiệu quả đạt không cao và giải thể.
Năm 2010, UBND và Hội Nông dân xã Phú Lễ thành lập Tổ nuôi cá nước ngọt Lạc Địa có 15 thành viên tham gia với diện tích 15ha, trong đó có 7,5ha mặt nước. Các thành viên của Tổ được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư nuôi trồng với số tiền 100 triệu đồng, trong thời gian 18 tháng, lãi suất thấp. Song song đó, ngành chức năng còn thường xuyên chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các thành viên để áp dụng vào nuôi trồng nhằm mang lại hiệu quả cao. Từ đó, nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi cá, chủ yếu là cá sặc rằn, cá rô phi, cá tra.
Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật nên cá nuôi phát triển tốt, hầu hết các thành viên của Tổ nuôi đều đạt được hiệu quả cao. Gần đây, nhiều người thử nghiệm sản xuất cá giống và đã thành công, tạo được nguồn giống đảm bảo chất lượng tại chỗ, hạn chế chi phí. Nhờ sử dụng vốn vay có hiệu quả nên Hội Nông dân tỉnh tiếp tục duy trì nguồn vốn này cho các thành viên của Tổ và sau mỗi kỳ vay số tiền được nâng lên. Năm 2012, Hội Nông dân tỉnh giải quyết cho các thành viên vay 300 triệu đồng.
Sau 18 tháng nuôi, các thành niên của Tổ thu hoạch được 127 tấn cá các loại, bán trừ chi phí còn lãi trên 889 triệu đồng. Bình quân mỗi thành viên lãi 60 triệu đồng. Nuôi hiệu quả nhất là anh Nguyễn Văn Lạc với 3 công mặt nước chuyên nuôi cá sặc rằn, thu trên 6 tấn cá, sau khi bán trừ chi phí còn lãi trên 160 triệu đồng.
Ngoài ra, tận dụng diện tích đất bờ, nông dân còn trồng các loại rau màu, trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò để tăng thu nhập.
Có thể nói, Tổ nuôi cá đồng Lạc Địa đã hoạt động có hiệu quả, tạo thu nhập đáng kể, đặc biệt là dần khôi phục nghề nuôi cá đồng nơi đây.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) nhiều hộ nông dân đã triển khai thực hiện mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo một số hộ trồng thanh long ruột đỏ tại 2 huyện Xuân Lộc và Trảng Bom (Đồng Nai), gần 1 tuần nay thanh long ruột đỏ xuất đi Trung Quốc bị ách tắc tại cửa khẩu, khiến giá bán tại các nhà vườn đang từ 65-70 ngàn đồng/kg giảm xuống còn 26 - 28 ngàn đồng/kg. Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2014 đến nay, giá thanh long ruột đỏ bị giảm sâu.

Xoài vận chuyển ra phía Bắc bị tăng giá cước vận tải lên gấp đôi, trong khi giá thu mua xoài bị giảm đi một nửa. Điều này khiến người dân ở vựa xoài Cam Lâm, Khánh Hòa âu lo.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2013-2014 đạt 1.261.000 tấn, tăng 7,78% kế hoạch và 1,20% so với vụ cá Bắc năm 2012-2013. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1.197.000 tấn, khai thác thủy sản nội địa đạt 64.000 tấn.

Qua rà soát của ngành chuyên môn, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng rất nhanh, vượt cả kế hoạch năm 2014.