Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bỏ Phố Về Quê Trồng... Rau Muống

Bỏ Phố Về Quê Trồng... Rau Muống
Ngày đăng: 07/05/2014

Hơn một năm nay, trên một vùng đất hoang ở ấp Tân Thuận, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) xuất hiện một trang trại trồng rau muống theo mô hình rau sạch. Chủ trang trại này là một người đến từ TP. Hồ Chí Minh.

Trang trại rộng 5,6 ha, được bao bọc bằng một loại lưới chống côn trùng. Bên trong lớp lưới, hàng trăm luống rau muống đang được gieo trồng với nhiều lứa khác nhau. Có luống đang thu hoạch dang dở, luống đang chuẩn bị thu hoạch. Nhiều luống khác vừa mới gieo trồng và một số luống còn bỏ trống.

Chủ trang trại là một người đàn ông dáng cao gầy, trắng trẻo, tên Nguyễn Hồng Lĩnh (tên thường gọi là Nguyễn Như Chân), 53 tuổi. Ông Lĩnh kể, trước đây, ông từng học đại học chuyên ngành hóa dược, quản trị kinh doanh.

Sở dĩ ông bỏ chốn phồn hoa đô hội về đây trồng rau là vì muốn thử đem kiến thức của mình ứng dụng vào nông nghiệp. Phần đất này trước đây bỏ không, cỏ mọc um tùm, ông thuê lại của người em bà con với giá 1,2 triệu đồng/tháng, rồi đầu tư hơn 150 triệu đồng cải tạo lại đất, xây dựng trang trại trồng rau.

Ngoài ra, ông còn mua sắm các nông cụ như máy bơm nước, máy xới đất, dụng cụ đo độ ẩm, đo độ quang hợp, đo khí nitơ và thuê mướn nhiều nhân công lao động.

Hiện tại, ngoài việc trồng rau muống, ông Lĩnh còn trồng thí nghiệm một số loại rau khác, như cải xà lách, rau húng lũi, húng cây. Ông Lĩnh cho biết, ông đã đưa một số chủ cửa hàng rau sạch của các chợ ở TP. Hồ Chí Minh đến đây tham quan và họ đều đồng ý mua rau của ông về bán lại.

Ông Lĩnh chiết tính, với giá rau muống trên thị trường hiện nay là 5.000 đồng/kg, năng suất ông trồng đạt 3 kg rau/mét vuông, diện tích thực trồng 5.000 mét vuông (đã trừ lối đi giữa các luống) thì sẽ thu được khoảng 75 triệu đồng/chu kỳ rau (21 ngày). Trừ các khoảng chi phí, ông còn lãi được phân nửa.

Người đàn ông đến từ đất Sài thành này còn cho biết thêm: "Nếu trồng thí nghiệm ở đây thành công, tôi sẽ thuê đất, mở rộng diện tích trồng rau lên đến 100 ha.

Sản phẩm thu được không chỉ để cung cấp cho người tiêu dùng Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh mà còn dùng để nghiên cứu chế biến thành thực phẩm khác như làm món ăn kim chi, hay chiết suất tinh chất từ lá rau muống để làm hóa dược...".

Đến thời điểm hiện nay, trang trại trồng rau của ông Lĩnh vẫn còn đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm chứ chưa bán ra thị trường nên chưa biết chính xác kết quả ra sao. Nếu mọi chuyện diễn ra đúng như dự kiến thì đây quả là một mô hình trồng rau muống theo tiêu chuẩn sạch, quy mô nhất hiện nay ở Tây Ninh.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Hàu Thương Phẩm Lợi Nhuận Cao Nuôi Hàu Thương Phẩm Lợi Nhuận Cao

Huyện Duyên Hải có bờ biển dài hơn 55 km, cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt rất thuận lợi để nuôi trồng nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao.

29/04/2014
Thức Ăn Chăn Nuôi Được Miễn Thuế GTGT Thức Ăn Chăn Nuôi Được Miễn Thuế GTGT

Bộ Tài chính vừa có công văn số 5165/BTC-TCHQ gửi Cục Hải quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố về việc miễn thuế GTGT cho mặt hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

29/04/2014
Phát Triển Mô Hình Nuôi Bò Theo Hộ Gia Đình Phát Triển Mô Hình Nuôi Bò Theo Hộ Gia Đình

Bò là con vật dễ nuôi và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Vì vậy, mô hình nuôi bò theo hộ gia đình tại xã Long Phước (TP.Bà Rịa) đang được coi là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi. Mô hình này là bước đột phá trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện tự nhiên của một xã thuần nông.

29/04/2014
Chăn Nuôi Bò Vượt Khó Trên Đất Cù Lao Chăn Nuôi Bò Vượt Khó Trên Đất Cù Lao

Từ hộ nghèo, nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Thơm, ngụ ấp Bà Tiên 1 (Phú Đông, Tân Phú Đông - Tiền Giang) đã trở thành hộ điển hình trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

29/04/2014
Vĩnh Phúc Trồng Mướp 7 Lá Cho Hiệu Quả Kinh Tế Vĩnh Phúc Trồng Mướp 7 Lá Cho Hiệu Quả Kinh Tế

Mướp 7 lá là loại cây trồng không còn xa lạ với người nông dân. Cùng với giá trị kinh tế mang lại, trong những năm trở lại đây ở Vĩnh Phúc, mướp 7 lá đã thay thế cây lúa trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương như Kim Long (Tam Dương), Tân Cương (Vĩnh Tường) cho hiệu quả kinh tế cao.

29/04/2014