Bình Thuận Nuôi Cá Bớp Trên Biển

Chúng tôi theo chiếc xuồng máy chở thức ăn, thăm các bè cá bớp ở bãi trước Mũi Né (Phan Thiết - Bình Thuận). Nước biển xanh trong và có phần ít sóng, và có lẽ chưa đến giờ cho cá ăn nên những người nuôi cá bè có phần thong thả. Một vài người thay vì ngồi trong các nhà lều nổi, ra đứng trên bè cá nhìn vào bờ.
Vì vậy, khi thuyền của chúng tôi vừa tấp vào cái bè gần nhất thì một người đã bước tới nắm lấy dây thuyền buộc vào bè. Người đàn ông này tự giới thiệu là Nguyễn Văn Nhàn, chủ của một chiếc bè nuôi cá bớp. Ông Nhàn cho hay: Nuôi cá bớp đầu tư khá nặng không dưới 1 tỷ đồng, vì ngoài chi phí làm bè thì giá con giống khá cao. Từ 25.000 – 30.000 đồng/con. Sau 10 tháng nuôi, nếu “gả” cá được giá, thì thu được vài trăm triệu đồng. Cá bớp trọng lượng con trên 1 kg, bán tại bè khoảng 125.000 – 130.000 đồng/kg.
Đang trong lúc nói chuyện, ông Nhàn quay sang hỏi cậu con trai “Tắm cá chưa con?”. “Cá đang nuôi trong nước, sao phải tắm?”, tôi thắc mắc. Ông Nhàn giải thích “Là vớt cá vào chậu nước ngọt để cá tự vệ sinh, tự phòng bệnh lấy. Thường xuyên tắm cá và vệ sinh lồng bè, cá khỏe mau lớn, tránh rủi ro”. Ngoài việc chăm sóc cá, hằng ngày những người nuôi cá như ông Nhàn phải lặn xuống biển kiểm tra từng lồng xem lưới bên dưới có bị cá lớn bên ngoài cắn rách, phòng thất thoát cá nuôi.
Gần bè cá ông Nhàn là bè cá của ông Nguyễn Văn Vinh, một trong những người đầu tiên nuôi cá bớp lồng bè ở Mũi Né. Ông Vinh đang ngồi băm mồi cho cá. Sau vài câu chào hỏi, ông nói: “Cá bớp ăn tạp, dễ nuôi, mau lớn, tỷ lệ hao hụt thấp và ít rủi ro. Thức ăn thì dễ kiếm (6.000 -7.000 đồng/kg). Nhiều du khách muốn ra bè tham quan cũng như ăn ngủ trưa trên lồng bè nhưng tụi tui không dám đưa ra, một là vì đàn cá nuôi, hai là lo sợ tính mạng của họ. Hiện nay, giá cá của mình so với Nha Trang cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tuy vậy, cá bớp nuôi tại Mũi Né vẫn bán chạy vì như nhiều người nói thịt cá thơm (có lẽ vì ở môi trường nuôi sạch, đáy biển rất ít bùn).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại Mũi Né và Mũi Điện (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) có trên 20 bè cá bớp, nhưng tập trung nhiều ở khu vực Mũi Né (17 bè). Từ tháng 9 - 3 âm lịch, các bè tập trung ở bãi trước Mũi Né. Từ tháng 4 - 8 âm lịch, bè cá được dắt sang bãi sau, tránh gió “săn” mùa nam.
Nhiều người nuôi cá bớp cho hay: Họ mong được chính quyền hỗ trợ. “Chúng tôi đang lo âu về khu vực nuôi trên biển. Nếu như mai này có chủ trương nhường mặt nước cho các dự án du lịch thì coi như lụi tàn nghề nuôi. Người trồng thanh long, nếu không trồng thanh long, vẫn còn mảnh đất để trồng loại cây khác. Còn như chúng tôi thì… chịu?!
Nghề nuôi cá bớp lồng bè trên mặt biển Phan Thiết mới bắt đầu hình thành khoảng 4 năm trở lại đây. Thế nhưng, tương lai của nó có tươi sáng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố ổn định về nơi nuôi và môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Sa Pa được mệnh danh là “thiên đường” của loài cá nước lạnh bởi khí hậu đặc trưng và nguồn nước dồi dào. Nhiều tỉ phú phất lên từ nghề nuôi cá nước lạnh, nhưng rồi nghề “bạc tỷ” này không tránh khỏi quy luật thăng, trầm.

Trong những ngày đầu xuân mới, cùng với bà con nông dân trồng lúa đã tích cực xuống đồng, các hộ nuôi và các doanh nghiệp nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đang tích cực cải tạo ao, đầm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết bước vào vụ nuôi xuân hè.

Sau mỗi vụ nuôi, lượng mùn bã hữu cơ của vật nuôi tích tụ lắng đọng nhiều ở đáy ao, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Công tác cải tạo ao nuôi đóng vai trò rất quan trọng, do đó người nuôi cần phải tiến hành nhiều biện pháp cải tạo ao hồ sau đó mới thả nuôi.

Ngày 7-2-2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thông qua dự luật nông nghiệp năm 2014 của Mỹ, trong đó có nội dung đưa cá tra/basa Việt Nam vào chương trình thanh tra, giám sát của họ. Theo nhận định của một số nhà chuyên môn, điều này ít nhiều sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ nhưng nhanh nhất cũng phải đầu năm 2015.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), trong năm 2013, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 526 triệu USD, giảm 7,2% so với năm 2012.