Bình Thuận Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Thanh Long

Đa dạng thị trường xuất khẩu trái thanh long đã và đang là mối quan tâm của các cơ quan chức năng cùng nông dân Bình Thuận. Sắp tới đây, bên cạnh các thị trường truyền thống, thanh long Bình Thuận sẽ có mặt ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng lớn và giá trị gia tăng cao.
Tính từ năm 2011 đến nay, Bình Thuận chỉ mới xuất 256 tấn thanh long vào thị trường Hàn Quốc. Đây vốn là một thị trường khó tính, thanh long muốn có mặt ở nơi này phải qua xử lý hơi nước nóng (gia nhiệt). Hàng rào kỹ thuật là rào cản khiến thanh long Bình Thuận có mặt hạn chế ở thị trường này. Tuy nhiên, sắp tới tình hình sẽ chuyển biến tích cực. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý trái cây bằng hơi nước nóng cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hồng Ân.
Doanh nghiệp này đã đầu tư và đang vận hành Nhà máy gia nhiệt thanh long tại xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình. Nhà máy sẽ xử lý trái thanh long tươi bằng hơi nước nóng để xuất vào thị trường Hàn Quốc theo đường chính ngạch. Quy mô xuất khẩu theo giấy chứng nhận lên đến 1.200 tấn/năm. Dự kiến, ngay trong tháng 7 tới đây, lô hàng đầu tiên sẽ được xuất đi. Bước chuyển này sẽ là tiền đề tích cực để thanh long Bình Thuận tiếp tục có mặt ở nhiều thị trường khó tính.
Sau Hàn Quốc, thị trường Nhật Bản cũng đang được doanh nghiệp hướng đến. Sắp tới, cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ sang kiểm tra nhà máy gia nhiệt thanh long ở xã Hải Ninh. Đây là cơ sở để Công ty Hồng Ân tiếp tục được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý trái cây bằng hơi nước nóng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nếu được cấp giấy chứng nhận, thanh long Bình Thuận sẽ xuất khẩu sang thị trường này với sản lượng 3.000 tấn/năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khoảng 70 – 80% sản lượng thanh long Bình Thuận được xuất sang thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, trong khi đó xuất khẩu tiểu ngạch luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ít đạt hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Mấy năm nay, nuôi tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL đang phát triển ồ ạt, vượt tầm kiểm soát của hầu hết các tỉnh, không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, mà nghiêm trọng hơn, nó đang làm “vỡ quy hoạch” hoàn toàn, để lại nhiều hệ lụy.

Nghêu lụa là một loại đặc sản của tỉnh Kiên Giang, đã được xuất khẩu rất nhiều suốt hơn 10 năm qua, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu ở thị trường châu Âu rất lớn.

Rau xanh Đà Lạt thu hoạch trước và sau Tết Giáp Ngọ khoảng 20 ngày, phần lớn đều giảm giá liên tục; chỉ tăng giá một vài loại rau sản lượng không đáng kể. Hai “mảng màu” rau xuân Đà Lạt đang đặt ra việc thay đổi “nông lịch” gieo trồng sao cho phù hợp hơn với thị trường.

Sau nhiều tháng liên tục rớt giá, dịp này, giá gia cầm tăng cao, tiêu thụ thuận lợi. Nhiều chủ trang trại thấy tiếc vì không dự báo được thị trường đã giảm đàn quá nhiều hoặc bỏ trống chuồng trại.

Các gia đình thuộc diện nghèo tỉnh Sóc Trăng sẽ được hỗ trợ nuôi bò sữa nằm trong khuôn khổ dự án phát triển bò sữa giai đoạn 2013 - 2020.