Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bình Phước Có Nhiều Hoạt Động Đẩy Mạnh Phát Triển Nguồn Lợi Thủy Sản

Bình Phước Có Nhiều Hoạt Động Đẩy Mạnh Phát Triển Nguồn Lợi Thủy Sản
Ngày đăng: 28/02/2015

Thời gian qua, Trung tâm Thủy sản tỉnh Bình Phước (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã tích cực nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản nước ngọt các loại, đáp ứng nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh. Với nguồn giống tại chỗ, hàng năm trung tâm còn thả bổ sung thủy sản vào các hồ chứa lớn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Chủ động cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật

Bình Phước có diện tích mặt nước ao hồ, sông suối khoảng 30.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loài thủy sản nước ngọt. Hình thức nuôi thủy sản phổ biến là thâm canh trong ao, nuôi quảng canh trên hồ chứa nhỏ, nuôi mặt nước lớn, nuôi lồng bè trên hồ chứa lớn. Các loài cá chủ yếu là lăng nha, lóc, trắm cỏ, chép, rô phi, mè hoa... Nhu cầu giống mỗi năm 6 - 8 triệu con các loại.

Năm 2012, trung tâm sản xuất thành công giống cá lăng nha, trắm cỏ, chép, mè, rô phi. Đến hết năm 2014, trung tâm đã sản xuất hơn 30 triệu con cá bột, ươm nuôi thành công 5 triệu cá giống các loại. Chất lượng con giống được bảo đảm về nguồn gốc, khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao, lớn nhanh, lại sản xuất tại chỗ nên đáp ứng yêu cầu của người nuôi.

Do vậy, việc chuyển giao, thực hiện các mô hình đến người nuôi đạt hiệu quả cao, yếu tố kỹ thuật, dinh dưỡng, chăm sóc đã được kiểm nghiệm, thử nghiệm trong quá trình sản xuất thực tế tại trung tâm. Từ năm 2010 - 2014, trung tâm đã hỗ trợ 260 lượt hộ có ao nuôi với 3.445kg cá giống; hỗ trợ 22 hộ có lồng bè với 13.420 con giống cá lăng nha.

Ngoài việc cung ứng giống, trung tâm còn hỗ trợ về kỹ thuật nuôi cá cho người dân. Cụ thể, mở 81 lớp tập huấn kỹ thuật cho 3.430 lượt người nuôi thủy sản ở các huyện, thị xã; hỗ trợ kỹ thuật và một phần con giống cho 7 câu lạc bộ khuyến ngư trong tỉnh; tổ chức cho 270 lượt người tham quan, học tập các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả...

Trung tâm còn xây dựng và chuyển giao hàng chục mô hình nuôi cá lăng nha trong bè, nuôi ghép cá trong ao, ươm giống cá... Các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân tham gia.

Được trung tâm thủy sản phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi nên thành viên trong Câu lạc bộ khuyến ngư Phú Thành (xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập) đã mở rộng diện tích, tăng đàn, thay đổi loại cá nuôi cho thích ứng với nhu cầu thị trường. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn An có 5 ao với tổng diện tích 1 ha nuôi cá trắm, chép, rô phi kết hợp nuôi ếch. Có thời điểm, ông nuôi thêm rắn và tôm càng xanh.

Gia đình ông An thu hơn 100 triệu đồng/năm từ nuôi thủy sản. Theo ông An, nuôi cá cần chú ý đến phòng ngừa, theo dõi và phát hiện, trị các loại bệnh kịp thời, như: vi trùng mỏ neo, đốm đen lưng... Muốn cá nuôi mau lớn, ao nuôi phải có lối thoát nước để tiện cho việc thay nước. Khi vét cá bán nên kết hợp phơi bùn, rắc vôi bột diệt vi trùng có hại và rải phân chuồng, tạo màu cho ao.

Bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ chứa

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc trung tâm cho biết: Toàn tỉnh có 63 hồ, đập có thể kết hợp phát triển thủy sản. Trong đó 10 hồ rộng từ 100 ha trở lên, diện tích mặt nước là 20.955 ha, với hơn 100 loài thủy sản khác nhau. Do việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên hồ, đập ngày càng tăng với phương tiện, ngư cụ đánh bắt đa dạng (thuyền nhỏ, xuồng, lợp tép, lợp cá, đăng, xung điện...) nên nguồn lợi thủy sản giảm mạnh.

Trong đó, hồ thủy điện Srok Phu Miêng giảm nhiều nhất (64%) so với năm 2006. Trước thực trạng này, từ năm 2012 - 2014, trung tâm đã thả 8.760kg cá giống truyền thống (trắm cỏ, chép, mè, rô phi) và 192.000 con giống cá lăng nha xuống hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng. Từ đó bổ sung, duy trì nguồn lợi thủy sản, giúp bộ phận ngư dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, trung tâm còn tư vấn và hỗ trợ thành lập 12 tổ nghề cá cộng đồng với 424 thành viên. Việc khai thác thủy sản từ chỗ không có tổ chức sang hoạt động có tổ chức, quản lý, giám sát của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, góp phần hạn chế tình trạng khai thác mang tính hủy diệt, tận diệt.

Ông Trần Văn Phương cho biết thêm: Theo Quyết định số 2912/QĐ-UBND ngày 30-12-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020, đến năm 2020, 100% hồ chứa lớn được phục hồi, duy trì nguồn lợi thủy sản thông qua việc thả bổ sung và nuôi trồng.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, nuôi trồng ở hồ chứa lớn, không còn hình thức khai thác, đánh bắt trái phép. 100% xã có ngư dân ven hồ chứa lớn đều thành lập được tổ nghề cá...

Qua đó cho thấy, chương trình đã tạo lối mở giúp địa phương có điều kiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tương xứng với tiềm năng sẵn có, tạo sự cân đối giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên và môi trường, an toàn hồ đập.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ Trợ 3 Địa Phương Phòng, Chống Dịch Bệnh Hỗ Trợ 3 Địa Phương Phòng, Chống Dịch Bệnh

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin, hóa chất sát trùng thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ 3 địa phương phòng, chống dịch bệnh.

08/09/2014
Thanh Long Ruột Đỏ Cây Trồng Mới Của Nông Dân Hưng Yên Thanh Long Ruột Đỏ Cây Trồng Mới Của Nông Dân Hưng Yên

Vững tâm, không dao động bởi lời “nói vào – nói ra” của những người xung quanh, họ quyết tâm đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng trên những thửa vườn cây ăn trái đang ở giai đoạn cho thu hoạch tốt. Sau những tháng ngày chăm sóc, hiệu quả bước đầu về kinh tế, môi trường từ loài cây ăn quả mới đã đến với những chủ vườn dám nghĩ, dám làm trên đất Hưng Yên.

08/09/2014
Thu Hồi Hơn 1.400 Ha Đất Lâm Nghiệp Thu Hồi Hơn 1.400 Ha Đất Lâm Nghiệp

Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn vừa thay mặt UBND tỉnh Hà Tĩnh ký văn bản về việc thu hồi đất lâm nghiệp của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

08/09/2014
Cà Phê Rụng Trái Vì Bệnh Nấm Hồng Cà Phê Rụng Trái Vì Bệnh Nấm Hồng

Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển, bởi vậy nhiều nhà vườn đang hy vọng một vụ mùa năng suất cao. Tuy nhiên, từ khoảng một tháng trở lại đây, nhiều nông dân khá lo lắng trước tình trạng cà phê liên tiếp bị rụng trái bởi bệnh nấm hồng.

08/09/2014
Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Ở Điệp Nông Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Ở Điệp Nông

Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã chú trọng phát triển các mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tại xã Điệp Nông (Hưng Hà), mô hình này bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

08/09/2014