Bí Đỏ Bí Đầu Ra

Hiện người trồng bí ở các xã Ninh Thân, Ninh Xuân, Ninh Thượng…TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang khóc ròng vì bí đỏ đã quá thời kỳ thu hoạch nhưng vẫn vắng bóng người mua...
Nông dân Võ Văn Cường, thôn Suối Méc, xã Ninh Thân (TX Ninh Hòa), một người trồng bí đỏ có thâm niên cho biết: Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên cây bí sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất tương đối ổn định, dao động từ 12-15 tấn/ha, tăng từ 2-3 tấn/ha so với năm ngoái.
Tuy nhiên, người trồng bí đỏ chưa kịp vui mừng thì giá bí ngay đầu vụ đã rớt thê thảm, chỉ còn 800-2.000đ/kg, giảm 3 lần so với năm ngoái. Dù giá thấp nhưng hiện hàng chục tấn bí đỏ nằm la liệt trên đồi Dốc Thị vẫn vắng bóng người mua, khiến nông dân khóc ròng.
Ông Cường còn cho biết, như gia đình ông với diện tích 2 ha trồng bí đỏ, ước tính năm nay sẽ thu hoạch được 25 tấn, tăng 2 tấn so với năm ngoái. Nhưng đến nay bí đỏ đã đến kỳ thu hoạch quá 1 tháng, nhưng ruộng bí vẫn chưa tiêu thụ được.
Vì vậy ông Cường lo lắng nếu trong vòng 7-10 ngày nữa vẫn không bán được thì số bí trên sẽ bị hư thối, chỉ còn cách đổ cho bò, cho heo ăn. Được biết, vụ bí đỏ năm ngoái với diện tích trên, gia đình ông Cường thu hoạch được 23 tấn, bán với giá 6.000đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng.
Còn gia đình anh Võ Duy Nghi, người cùng thôn, thở dài ngao ngán khi nhắc đến bí đỏ: “Vụ bí đỏ năm nay gia đình tôi đã bỏ ra hơn 40 triệu đồng đầu tư trồng hơn 2 ha. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thu được đồng nào bởi bí bán chưa được. Còn nếu thu hoạch mang về nhà cũng chẳng bán được, nên vẫn để ngoài đồng”.
May mắn hơn gia đình ông Cường, anh Nghi, gia đình anh Lương Ngọc Diệp, thôn Tân Phong được thương lái quen thu mua 15 tấn bí, với giá 2.000đ/kg cách đây 2 tuần. Gặp chúng tôi, anh Diệp cho biết: “Nhiều năm trước, bí đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây nên diện tích ngày càng được mở rộng.
Nếu như năm ngoái loại bí vẫn được thương lái tấp nập đến tận nơi thu mua với giá 5.000-6.000đ/kg thì năm nay, ngay đầu vụ giá chỉ còn 800-2.000đ/kg (tùy loại). Gia đình nào nhanh tay bán còn thu được chút vốn, không thì mất trắng”.
Ông Nguyễn Văn Đến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thân cho biết: Vụ bí đỏ năm nay toàn xã trồng 71 ha, tăng khoảng 15 ha so với năm ngoái. Tuy nhiên do không có đầu ra nên hiện nay hàng ngàn tấn bí đã quá thời kỳ thu hoạch vẫn đang tồn đọng chờ thương lái. Vì thế đời sống của người trồng bí gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết người dân nơi đây đều mua nợ phân bón từ các đại lý và cam kết khi thu hoạch sẽ thanh toán.
Tương tự, tại xã Ninh Xuân, Ninh Thượng, hiện người trồng bí nơi đây cũng đang thấp thỏm chờ thương lái đến thu mua.
Ông Trương Văn Tiến, người ở xã Ninh Thân nhưng trồng bí ở xã Ninh Xuân cho biết: Gia đình trồng 3 ha bí đỏ, giống bí 2 mũi tên, có quả hình thuôn dài, sinh trưởng rất mạnh, khả năng kháng virus cao, thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày tính từ khi trồng đến khi thu hoạch, phẩm chất quả tốt (ngọt, bở) thịt quả có màu vàng cam, dày, trọng lượng từ 2-3kg, vỏ quả cứng màu vàng có phấn phủ, do vậy mà bảo quản, vận chuyển rất tốt. Nếu được giá như mọi năm, trung bình 1 ha gia đình anh thu hoạch lãi khoảng 25 triệu đồng, nhưng hiện nay coi như mất trắng, bởi hơn 1 tháng nay vẫn chưa tiêu thụ được.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/bi-do-bi-dau-ra-post135674.html
Có thể bạn quan tâm

Ao nuôi tôm không quá lớn, là một biện pháp tránh rủi ro, vì nếu có hỏng ao này còn ao kia. Khi bệnh tôm phát sinh, ao nuôi nhỏ sẽ dễ xử lý và ít tốn kém hơn. Nếu dụng cụ, máy móc của một trong số ao này bị hỏng có thể di chuyển bổ sung cho nhau để giải quyết tạm thời. Diện tích tối ưu của ao nuôi tôm nên từ 3.000-5.000m2.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Trà Vinh đã chi 47,4 tỉ đồng bồi thường thiệt hại 102 ao nuôi các loài thủy sản, với diện tích gần 37,3 ha, chiếm gần 63% so với tổng diện tích tham gia bảo hiểm trên địa bàn tỉnh.

Vào tháng 7-2012, 7 hộ dân ở ấp Xương Thới III (Thới Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) được Trường Đại học Cần Thơ chọn thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong mương vườn dừa thuộc Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là các hộ dân định cư cặp ngoài vùng đê bao ngọt hóa của Dự án 418.

Chiều 14-2, ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang cho biết: Đã lấy mẫu nước và sinh vật lạ được cho là nguyên nhân gây cá nuôi lồng bè chết hàng loạt tại vùng biển của huyện đảo Kiên Hải đưa đi xét nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ và Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2.

Không đến tận ao nuôi cá trê lai của bà con thôn Phú Sơn 2, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) thật khó tin về nguồn thu hơn 100 triệu đồng/sào ao (500 m2). Tính ra, mỗi năm người nuôi cá ở đây thu hơn 2 tỷ đồng/ha.