Bến Tre Trồng Bưởi Da Xanh Gốc Ghép Đạt Kết Quả Khả Quan

Hộ anh Trần Văn Thông ở ấp Tân Ngãi, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) được chọn trồng thí điểm 40 cây bưởi gốc ghép chịu phèn, mặn. Đến nay, cây sinh trưởng tốt, chất lượng trái được đánh giá cao.
Năm 1999, Viện Cây ăn quả miền Nam tiến hành thực nghiệm trồng bưởi da xanh gốc ghép chịu phèn, mặn trên vùng đất xã Tân Trung - một địa phương có 4 tháng/năm chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Đến nay, dù Viện chưa có kết luận về hiệu quả và có nên nhân rộng hay không nhưng vườn bưởi trồng thực nghiệm cây trái sum suê, xanh tốt, có chất lượng, được thương lái thu mua đánh giá khá cao. Người dân trong vùng cũng bắt đầu trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa.
Hộ anh Trần Văn Thông ở ấp Tân Ngãi được chọn trồng thí điểm trên phần đất có diện tích 1.000m2, với 40 cây bưởi gốc ghép chịu phèn, mặn (giống bưởi do Viện Cây ăn quả miền Nam cung cấp, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, tiền công lên bờ).
Theo anh Thông, ở giai đoạn sinh trưởng, cây bưởi rất tươi tốt, cành lá xanh tươi, không một cây nào bị vàng đọt - một biểu hiện của cây bị nhiễm phèn, mặn. Đến năm thứ 3, bưởi ra hoa và kết trái, Viện cũng có xuống lấy mẫu (trái) về phân tích.
Người dân ở địa phương đánh giá chất lượng trái khá cao: màu đẹp, ngọt thanh, tróc vỏ, kích thước trái đồng đều, trọng lượng cân nặng hơn 1,4kg (bưởi loại I). Sản lượng bưởi tăng dần, sang năm thứ 4, anh Thông thu hoạch hơn 1 tấn trái, giá bán lúc bấy giờ là 23 ngàn đồng/kg (loại I). Nước tháng 9, tháng 10 âm lịch lên cao, ngập cả vườn, anh Thông phải đắp đê, bơm nước để bảo vệ vườn bưởi.
Ngoài ra, anh Thông còn trồng xen thêm 70 gốc ổi không hạt để có thêm thu nhập. “Bưởi và ổi có trái lai rai, thu hoạch liên tục, mỗi đợt hái và cân cho thương lái sau đôi ba tháng tôi mới lấy tiền một lần… được gần 10 triệu đồng” - anh Thông cho biết.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Tân Trung, trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương, xã đã xác định được lợi thế của xã là hai cây (cây dừa xen bưởi da xanh), hai con (heo và bò).
Từ mô hình trồng thí điểm của hộ anh Thông, nhiều bà con ở các ấp nằm trong vùng đất bị nhiễm phèn, mặn cũng mạnh dạn đầu tư trồng xen bưởi trong vườn dừa.
Diện tích bưởi da xanh xen trong vườn dừa của xã hiện có hơn 8ha đang cho trái. Nếu hệ thống cống đập Cái Quao được triển khai thực hiện thì vùng đất Tân Trung và các xã lân cận sẽ trở nên màu mỡ, người dân có nhiều cơ hội để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm mới, ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Quảng Trị - nơi ngư trường có cá, mực ngon nổi tiếng trúng đậm trong những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản. Những chuyến tàu đầu tiên đã cập cảng với sản lượng đánh bắt được khá lớn, dự báo một năm thuận lợi cho bà con ngư dân.

Với đặc điểm dễ nuôi, ít tốn thức ăn,nhanh thu hoạch, nghề nuôi ốc hương ở phường 12 (TP.Vũng Tàu) đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Tuy nhiên, tiềm năng đang bị bỏ ngỏ, khi mà diện tích và số hộ nuôi trồng của địa phương vẫn chưa được mở rộng.

Với lợi thế là địa phương giáp biển, lại có nguồn cá giống tự nhiên nên vài năm trở lại đây, thị xã Vĩnh Châu đã phát triển nhanh mô hình nuôi cá kèo trên vuông tôm.

Rộng khoảng 3 ha với tường rào bao quanh từ trước ra sau; có hệ thống nhà nuôi gà nối với nhau; có xưởng chế biến thức ăn, lò ấp; những ngôi nhà cấp 4 dành cho công nhân ở và sinh hoạt… là những điều kiện không phải trang trại chăn nuôi nào cũng đạt được như của trang trại nuôi gà đẻ trứng Trường Giang (thôn Đoàn Kết, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar, Dak Lak).

Khoai tây là cây trồng trong vụ đông có năng suất ổn định và có giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích trồng khoai tây có xu thế tăng chậm, nguyên nhân chính là nguồn lao động trong nông thôn ngày một giảm do chuyển sang kinh doanh dịch vụ hay đi lao động ở các ngành nghề khác. Mặt khác chi phí sản xuất trồng khoai tây thường cao, nhất là khâu làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều hộ nông dân không dùng rơm rạ phục vụ đời sống dân sinh, rơm rạ cũng ít được sử dụng làm phân hữu cơ. Xuất phát từ thực tế đó, vụ đông năm 2011 Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hưng Yên đã triển khai mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm rạ, góp phần giải quyết những khó khăn trên.