Bảo Đảm Hài Hòa Lợi Ích Của Doanh Nghiệp Và Bà Con Nông Dân

Chính quyền địa phương và Công ty cổ phần Khoa học và Công nghiệp (KH&CN) Việt Nam cần bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp đầu tư và bà con nông dân cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp.
Ngày 12-10, huyện Yên Định và Công ty cổ phần khoa học và công nghiệp (KH&CN) Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn do doanh nghiệp trực tiếp thực hiện. Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vụ đông 2014-2015, Công ty cổ phần KH&CN Việt Nam ký hợp đồng thuê đất nông nghiệp của 16 hộ dân xã Định Bình, huyện Yên Định để thực hiện mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn do doanh nghiệp trực tiếp thực hiện.
Theo đó, toàn bộ 24,5 ha đất nông nghiệp của xã Định Bình sẽ được Công ty sử dụng trong vòng 5 năm để trồng các loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao, như: cà chua bi, khoai tây, củ đậu, dưa bao tử, ớt kim chỉ thiên.
Đây được xem là mô hình mới, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, các hộ nông dân sẽ làm gì sau khi cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp?
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ rõ, đây là mô hình với hình thức sản xuất mới, nên chính quyền địa phương và công ty cần bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp đầu tư và bà con nông dân cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Đức Quyền đề nghị: Trong quá trình thực hiện mô hình, cùng với việc đẩy mạnh đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, Công ty phải đặc biệt quan tâm tạo việc làm cho lao động địa phương, ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào sản xuất, nhất là các hộ dân có diện tích nằm trong quỹ đất cho thuê, để bảo đảm thu nhập ổn định cho các hộ dân.
Chính quyền địa phương cần quan tâm, chú trọng công tác hướng nghiệp, tạo việc làm cho các hộ dân, tránh tình trạng các hộ nông dân bị thất nghiệp sau khi cho công ty thuê đất. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động đầu tư của doanh nghiệp, đồng thời khẳng định, tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đó, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình và động viên bà con nông dân sản xuất vụ đông 2014-2015 tại 2 xã Định Liên và Yên Bái của huyện Yên Định. Theo báo cáo tiến độ sản xuất vụ đông, tính đến ngày 12-10, toàn huyện Yên Định đã gieo trồng được 5.310 ha/5.560 ha vụ đông 2014-2015, đạt 95,5% kế hoạch; trong đó, ngô trồng được 2.907,8 ha, đậu tương 1.224,7 ha, ớt 407,6 ha, rau màu các loại là 769,9 ha.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, đồng chí Nguyễn Đức Quyền đánh giá cao kết quả huyện đã đạt được, tuy nhiên đồng chí lưu ý, huyện cần vận động cho bà con nông dân mở rộng thêm diện tích sản xuất vụ đông; đồng thời định hướng để bà con nông dân đưa các loại cây có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường vào sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 22 và 23.8, Phó Chủ tịch (PCT) T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý đã về làm việc với Hội ND Long An và thăm một số mô hình làm ăn hiệu quả của ND.

Mô hình trình diễn nuôi tôm công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) được Chi cục Thủy sản Ninh Bình phối hợp với UBND xã Kim Đông triển khai, thu hút 6 hộ dân tham gia với tổng diện tích 4 ha (trong đó 2 ha tôm sú, 2 ha nuôi tôm thẻ chân trắng).

Đây là mô hình nuôi cá thương phẩm thuộc dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Krông Pa (Gia Lai) thực hiện với sự tham gia của 10 hộ dân trên địa bàn xã Ia Hdreh.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hội thi nông dân nuôi cá tra giỏi lần này là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng nhằm động viên, khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp phong trào nuôi cá tra thế mạnh của vùng ĐBSCL sớm phục hồi trở lại.

Mấy ngày nay, thương lái nhiều nơi “đổ” về Tiền Giang mua heo thịt và heo con với giá khá cao. Người chăn nuôi phấn khởi và sẵn sàng bán khi thương lái có nhu cầu.