Bắc Kạn Trồng Ớt Xuất Khẩu

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài các loại cây trồng truyền thống, tỉnh ta có nhiều chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều loại cây trồng mới có tính hàng hoá, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Vụ Đông Xuân 2013 – 2014, được sự hỗ trợ của Dự án 3PAD, Công ty cổ phần Stevia Ventures triển khai mô hình Trồng ớt Mỹ Nhân Vương xuất khẩu trên địa bàn 2 huyện Ba Bể và Na Rì theo mô hình liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông với tổng diện tích trên 50ha.
Giống ớt Mỹ Nhân Vương là giống ớt mới của Đài Loan có năng suất và chất lượng cao đang được thị trường thế giới ưa chuộng. Thời gian trồng kéo dài khoảng 6 tháng/vụ, năng suất dự kiến đạt từ 25- 30 tấn/ha. Ký hợp đồng liên kết sản xuất ớt Mỹ Nhân Vương người dân được Công ty cổ phần Stevia Venture hỗ trợ toàn bộ cây giống, phân bón, nilon che phủ, thuốc bảo vệ thực vật, ngoài ra Công ty còn trực tiếp tập huấn kỹ thuật trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong suốt vụ. Sản phẩm được Công ty thu mua toàn bộ với giá 5.000 đ/kg.
Anh Hoàng Văn Thuỷ, thôn Nà Ngộm, xã Chu Hương, Ba Bể cho biết: Trước đây gia đình anh chỉ canh tác các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, đỗ, lạc quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Được sự hỗ trợ của dự án gia đình anh đã đăng ký trồng thử nghiệm 2000m2.
Theo anh Thuỷ kỹ thuật trồng, chăm sóc ớt có phức tạp và tốn nhiều công hơn so với những cây màu khác nhưng nhờ có cán bộ kỹ thuật của Công ty thường xuyên bám sát hiện trường hướng dẫn, chỉ đạo nên ớt của các hộ dân ở đây đều sinh trưởng tốt. Đến nay, ruộng ớt của gia đình anh đã cho thu những lứa quả đầu tiên.
Công ty trực tiếp ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm với chính quyền địa phương và người nông dân, đồng thời dự án 3PAD hỗ trợ thành lập các nhóm sở thích nhằm gắn kết được các hộ nông dân với nhau, kết nối hiệu quả giữa người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, khi đến thời điểm ớt chín Công ty thông báo ngày thu mua sản phẩm cho người dân, tổ chức thu mua theo kế hoạch, trong đó địa điểm thu mua được bố trí gần vùng sản xuất, thuận tiện cho xe ô tô vào thu mua và cho việc vận chuyển tập kết hàng hoá. Sau 15 ngày thu mua người dân được thanh toán đầy đủ. Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật với tình hình sinh trưởng của cây ớt Mỹ Nhân Vương trên địa bàn huyện Ba Bể năng suất toàn vụ đạt khoảng 20 – 25 tấn /ha.
Những kết quả bước đầu của dự án sản xuất ớt Mỹ Nhân Vương không chỉ góp phần đưa một loại cây trồng hàng hoá mới đến với tỉnh ta mà còn giúp nông dân làm quen với cách tổ chức sản xuất mới: “Sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng” đây là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá.
Với sự hỗ tích cực của dự án 3PAD và Công ty cổ phần Stevia Ventures hy vọng rằng việc phát triển mở rộng vùng trồng ớt sẽ được duy trì và nhân rộng, qua đó làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác cho nông dân góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NN-PTNT, mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, về lĩnh vực chăn nuôi, Nam Định lựa chọn 4 đối tượng chủ lực gồm lợn, gà, ngao và tôm.

Những ngày qua, giá hải sản liên tục tăng, khiến ngư dân rất phấn khởi. Tại cảng cá khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, tàu thuyền của ngư dân ra vào tấp nập, với những khoang cá đầy ắp.

Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Dư Thị Liên, hội viên nông dân thôn Đồng Vinh, xã Mậu Lâm rất khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào thu nhập từ mấy sào ruộng. Đầu năm 2012, với sự giúp đỡ của hội nông dân huyện, xã, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện, qũy hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế.

Các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn, trâu bò; hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống, hay gà, vịt giống bố mẹ hậu bị; hỗ trợ về xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí về liều tinh để thực hiện phối giống cho lợn nái; mức hỗ trợ không quá 2 liều tinh cho một lần phối giống và không quá 5 liều tinh cho một lợn nái/năm.

Theo nhiều chuyên gia, việc thiếu đầu tư công nghệ chế biến, chỉ chăm chăm vào xuất tươi là nguyên nhân chính khiến tình trạng trái cây rớt giá trở nên trầm trọng.