Anh Trần Đức Trung Mạnh Dạn Ứng Dụng Công Nghệ Trong Bảo Quản Giống, Sản Phẩm Cây Trồng

Anh Trần Đức Trung ở tổ dân phố 5, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) vừa mới đầu tư, đưa vào sử dụng kho bảo quản các giống hoa, rau, củ quả cho gia đình.
Công nghệ mới này đã không chỉ tạo điều kiện cho gia đình bảo quản được số lượng lớn rau, củ quả sau thu hoạch, mà còn bước đầu giúp anh chủ động được nguồn giống các loài hoa để gieo trồng trong vụ mới.
Được biết, gia đình anh Trung bắt đầu trồng hoa từ năm 2011. Với khu vườn thuê có diện tích gần 2 ha, anh đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi để đầu tư trồng các giống hoa như lay ơn, cúc, loa kèn, hoa ly và các loại rau, củ quả…
Theo anh Trung thì trước đây, do diện tích lớn nên nhu cầu giống hoa cho mỗi vụ trồng rất nhiều, cứ mỗi lần vào vụ lại xuất hiện tình trạng khan hiếm giống. Gia đình phải tất bật liên hệ, tìm kiếm nguồn cung khắp nơi và mua giống với giá cao. Cũng vì thế nên giống hoa nhiều lúc không đảm bảo chất lượng, cây trồng kém phát triển, củ không nảy mầm tốt. Gia đình luôn rơi vào tình thế bị động trong việc tìm nguồn giống…
Nhận thức được rõ lợi ích cũng như hiệu quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình trồng, chăm sóc và bảo quản các giống hoa, củ quả nên anh đã quyết định đầu tư kho đông lạnh, với chi phí gần 100 triệu đồng.
Cũng theo anh Trung thì nhờ điều kiện nhiệt độ trong kho lạnh thấp nên việc bảo quản giống hoa cũng như rau, củ, quả luôn được đảm bảo, không còn tình trạng hư hỏng, héo úa như trước nữa. Khi đưa vào kho lạnh, không chỉ giống và các nông sản được duy trì “tuổi thọ”, mà các mầm bệnh bên ngoài xâm nhập trong quá trình bảo quản đã được hạn chế. Nó cũng giúp cho quá trình mọc mầm của các giống cây được kìm hãm lại…
Nhờ có được kinh nghiệm từ thực tế, năm nay, gia đình anh quyết định đầu tư trồng giống hoa lay ơn với số lượng lớn. Cách đây ít tháng, nhờ có kho lạnh nên anh đã tập kết củ giống về sớm, để chuẩn bị trước cho vụ hoa mới, với số lượng gần 3 tấn củ lay ơn giống. Phần lớn những củ giống này được mua về từ tỉnh Lâm Đồng.
Cũng nhờ đó mà hiện tại, gia đình anh đã chủ động được nguồn giống với giá thành ổn định. Chất lượng giống cũng được anh quản lý chặt chẽ hơn. Hiện tại, những giống hoa này đang được anh đưa ra bên ngoài kho lạnh, nhằm đảm bảo thời gian từ 15-20 ngày cho cây giống thích nghi với môi trường tự nhiên, sau đó mới bắt đầu trồng.
Cũng theo anh Trung thì hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của hoa, rau, củ, quả của gia đình vẫn là người dân trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, với việc chủ động được các yếu tố về diện tích đất, cây giống cũng như sản phẩm sau thu hoạch, anh sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa của gia đình ra các tỉnh phía Bắc.
Nguồn bài viết: http://www.baodaknong.org.vn/chuyen-lam-an/anh-tran-duc-trung-manh-dan-ung-dung-cong-nghe-trong-bao-quan-giong-san-pham-cay-trong-36045.html
Có thể bạn quan tâm

Khi nước lũ ở đầu nguồn đổ về mạnh, nhiều nông dân tìm mua các loại cá giống để thả nuôi trong mùa lũ, nên hiện nay sức mua các loại cá giống ở huyện Tam Nông đang bắt đầu tăng mạnh.

Ngày 19/8, tại hội trường UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương có buổi làm việc với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ nội dung liên quan đến báo cáo công tác khuyến nông về ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh (lúa, cây ăn trái, rau quả).

Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thực hiện 1.791 cuộc tuyên truyền xây dựng NTM trong cán bộ hội; tuyên truyền ra hội viên, nông dân được 11.418 cuộc, với trên 276.976 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng phát động trong hội viên đăng ký trở thành NDSXKDG, năm 2014 có gần 86.000 hội viên trong tỉnh đăng ký tham gia.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, năm 2014, Trạm khuyến nông huyện Lâm Thao triển khai mô hình nuôi ếch Thái Lan thương phẩm bằng lồng hở tại một số xã, thị trấn trong huyện. Bước đầu mô hình này cho kết quả khả quan.

Thực hiện Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 3-7-2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2020, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị tích cực thực hiện các nội dung giải pháp quy hoạch, trong đó phát triển mạnh mô hình nuôi thâm canh cá lồng trên sông và hồ chứa.