Anh Long Làm Giàu Từ Nuôi Trâu

Từng thuộc diện nghèo khó ở địa phương, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, vợ chồng anh Ngô Kim Long (SN 1976) ở thôn Nho Lâm, xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa - Phú Yên) đã vươn lên thoát nghèo, trở thành nông dân sản suất kinh doanh giỏi nhờ nuôi trâu.
Thuở nhỏ, Ngô Kim Long sống trong gia đình nghèo khó. Kinh tế gia đình khó khăn nên học chưa hết lớp 10, Long phải nghỉ giữa chừng để đi làm thuê phụ ba mẹ kiếm tiền. Đến khi dành dụm được ít tiền, Long cùng anh trai bôn ba khắp vùng tìm mua heo con, sau đó thuê xe chở vào tỉnh Khánh Hòa bán lại kiếm lời.
Anh Long cho biết: “Nghề buôn heo bấp bênh lắm, lúc gặp may thì cũng kiếm được kha khá, nhưng lúc không may thì thua lỗ nhiều. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thấy nếu có tiền đầu tư nuôi trâu thì chắc chắn gia đình sẽ có ăn, mà lại không phải hồi hộp lo bị chèn ép giá như buôn bán heo”.
Năm 2000, sau khi lập gia đình, anh Long gom hết số tiền hai bên gia đình cho để đầu tư mua trâu về nuôi. Vốn liếng không nhiều nên thời gian đầu, anh Long phải vừa nuôi trâu, vừa chạy xe ôm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Sau 7 năm gầy đàn, gia đình anh đã có được đàn trâu 15 con. Vợ chồng anh tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng của ngân hàng để đi buôn trâu.
Anh Long kể: “Với số vốn này, tôi lặn lội khắp nơi tìm mua trâu, hễ nghe nơi nào có ai kêu bán trâu là tôi tìm đến. Số trâu mua được, tôi cho nhập đàn để nuôi vỗ béo, đến lúc trâu mập thì bán kiếm lời. Số tiền lời kiếm được, tôi tiếp tục mua thêm trâu về thả nuôi”. Với cách làm như vậy, đến nay, vợ chồng anh đã sở hữu gần 200 con trâu, lãi ròng mỗi năm gần 400 triệu đồng.
Theo anh Long, để phát triển đàn trâu và có chỗ chăn thả, anh phải tách đàn và nuôi ở 3 địa điểm, một đàn tại huyện Sông Hinh, một đàn tại xã Hòa Định Tây (Phú Hòa) và một đàn ở tỉnh Gia Lai. Để không bị mất trâu, vợ chồng anh thuê thêm 15 người chăn trâu. Những lao động này được gia đình anh bao ăn, ở và trả tiền công từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Long cho biết: So với bò thì trâu dễ nuôi hơn nhiều vì sức đề kháng của trâu cao hơn, ít dịch bệnh, mùa mưa gió cũng không cần dựng chuồng trại, trong khi đó giá bán của trâu cũng tương đương với bò. Hiện giá mỗi trâu con một năm tuổi từ 13 đến 15 triệu đồng, còn trâu lớn có giá từ 25 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, để thuận tiện hơn trong việc di chuyển đàn và tiết kiệm chi phí chuyên chở, gia đình anh còn mua một xe tải nhỏ phục vụ việc chăn nuôi và buôn trâu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Quang Bắc Võ Đông Sơ nhận xét: Ngoài nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Hòa Quang Bắc, nhiều năm qua, anh Ngô Kim Long còn hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng anh Long mà nhiều gia đình khó khăn của địa phương đã vơi bớt gánh nặng về kinh tế, ổn định được cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014, toàn tỉnh Phú Yên trồng mới hơn 4.800ha rừng tập trung, đạt 100% kế hoạch (rừng phòng hộ 337ha, rừng đặc dụng 39ha, rừng sản xuất hơn 4.424ha), nâng độ che phủ lên 38%. Tuy nhiên, thời gian qua, các vườn ươm cây giống trong tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu trồng rừng của các tổ chức, cá nhân. Điều này đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp phát triển bền vững hệ thống rừng giống và vườn ươm cây lâm nghiệp.

Nhằm tạo ra thị trường cạnh tranh công bằng, dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều hộ nông dân trồng tiêu tham gia. Nhiều mô hình canh tác tiêu bền vững được phát triển theo các tiêu chuẩn của chứng nhận Rainforest Alliance (R.A) cho các hộ trồng tiêu ở Bù Đốp; đồng thời kết nối với thị trường quốc tế thông qua Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice.

Thới Bình là huyện có diện tích lúa thu hoạch sớm nhất tỉnh Cà Mau. Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Thới Bình Lê Thanh Hùng cho biết, nhìn chung trà lúa vụ 2 năm nay kết quả đạt khá cao, từ 4,8 - 5,5 tấn/ha, tăng khoảng 1 tấn/ha so với vụ hè thu.

So với nhiều trang trại trồng nấm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như Yên Phong, Thuận Thành, Gia Bình hay Lương Tài, cơ sở sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của chị Trần Thị Bình ở thôn Bái Uyên, xã Liên Bão và hộ anh Đoàn Trọng Duẩn thôn Tử Nê, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du được đầu tư rất bài bản, quy mô và hiệu quả.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi giữ vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng nguồn giống chất lượng cao sẽ tạo thế đứng, khả năng cạnh tranh cho lĩnh vực nông nghiệp mà phần lớn khu vực này gắn với đời sống nông dân ở nông thôn.