An Giang tạm dừng xây nhà nuôi yến trong nội thành, nội thị

Từ hộ nuôi đầu tiên vào năm 2008, sau đó phát triển mạnh ở huyện Thoại Sơn, nhất là thị trấn Óc Eo, đến nay số hộ nuôi chim yến đã lan rộng khắp nơi. Theo thống kê, toàn tỉnh có 49 hộ nuôi với 54 nhà nuôi, trong đó 30 nhà xây riêng biệt và 24 nhà cho chim trú ngụ trên sân thượng, nhiều nhất là ở Thoại Sơn (17 nhà), Long Xuyên (9 nhà), Châu Phú (7 nhà)… Đến nay, nhiều hộ đã thu hoạch tổ yến, có nơi hiệu quả, nơi thì ít, thậm chí không hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn lập kế hoạch nuôi chim yến để làm giàu.
Giá xây nhà cho chim yến không thua nhà ở, đó là chưa nói để dẫn dụ “quý nhân” vào xây tổ phải tốn một khoản tiền không nhỏ. Anh Lê Tấn Hoàng (ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) - người đang thu hoạch tổ chim yến, thông tin: “Tôi nuôi chim yến từ tháng 9-2013. Căn nhà 190m2 của tôi tốn trên 100 triệu đồng tiền thuê kỹ sư chuyên môn từ TP. Hồ Chí Minh xuống thiết kế nơi ở cùng các thao tác kỹ thuật như âm thanh dẫn dụ, phun sương giữ ẩm…
Đến nay, tôi thu được 4kg tổ yến, hiện còn trên 250 tổ chờ ngày thu hoạch. Nghề này thấy dễ ăn, nhưng không hề đơn giản. Có hộ đã bỏ ra tiền tỷ đầu tư mà chim ít đến, không thu hoạch được”.
Hỏi anh Lê Văn Cường (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) người “mát tay” trong lĩnh vực thủy sản và đang “mê” loài chim giúp nhiều người làm giàu và chuẩn bị nuôi, anh chia sẻ: “Nghề nuôi chim yến lấy tổ phát triển từ lâu ở các tỉnh ven biển, vốn điều kiện không thuận lợi hơn miền ruộng lúa phì nhiêu như An Giang. Nuôi chim yến chỉ tốn đất xây nhà, những khoản khác không đáng kể. Thấy người ta nuôi làm giàu được, sao mình không thử làm, nếu có thất bại thì sẽ là bài học cho thành công sau đó”.
Kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT vừa qua cho thấy, số lượng chim yến trú ngụ trong các nhà nuôi chênh lệch khá xa, nơi hơn 2.000 con/nhà, nhưng có nhà chỉ chừng 50 - 60 con. Khi hỏi người nuôi, đa số không hề biết về công suất của âm thanh đang “hát ru” chim, trang phục bảo hộ lao động, xử lý chất thải và họ tự nuôi, tự quản lý, theo dõi dịch bệnh bằng mắt thường. Phần đông không đăng ký kinh doanh, nhiều hộ có thông báo với địa phương việc nuôi, có người thì thực hiện lấy lệ…
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn Phan Thanh Tùng thông tin: “Nuôi chim yến lấy tổ là nghề đang phát triển trên địa bàn huyện. Về mặt khoa học, loại động vật hoang dã này là bộ phận quan trọng tạo cân bằng sinh thái. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, có giá trị kinh tế rất cao, song, nếu không quy hoạch vùng nuôi, có biện pháp xử lý dịch bệnh, đến khi bùng phát sẽ khó lường.
Dù đang chờ quy định, hướng dẫn mới về quản lý, nuôi chim yến nhưng để phòng trừ dịch bệnh, chúng tôi đã cử cán bộ thú y vận động các hộ nuôi sử dụng thuốc để vệ sinh nơi chim yến ở, nhưng họ ngần ngại không dám làm vì sợ chim bỏ đi. Chúng tôi đề nghị hộ nuôi vệ sinh môi trường xung quanh, không để tiếng ồn của máy và vấn đề liên quan ảnh hưởng đến hộ xung quanh.”
Theo Sở NN-PTNT An Giang, về nuôi chim yến chỉ có Thông tư số 35/2013 của Bộ NN-PTNT nên khó trong việc triển khai thực hiện, trong khi nghề này đang phát triển. Hiện nay, chưa có biểu mẫu đánh giá và hướng dẫn về chế tài xử lý, trong khi nhiều hộ nuôi đang tự phát, nên việc tạm dừng xây nhà nuôi chim yến trong nội thành, nội thị là cần thiết. Khi có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn về quy hoạch, quản lý nuôi chim yến thì với giá từ 20 - 30 triệu đồng/kg tổ yến, nghề này sẽ có điều kiện phát triển hơn.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi các loại cây trồng chủ lực như cao su, cà phê, điều… đều cho thu nhập bấp bênh thì cây hồ tiêu vốn được mệnh danh là “cây tỷ phú” lại càng có cơ hội để nổi lên và hấp dẫn nhà nông hơn bao giờ hết. Nhà nhà đua nhau trồng tiêu khiến cho thị trường cây hồ tiêu giống trở nên phức tạp.

Sau vụ hành tím rớt giá, khó tiêu thụ, nay nông dân Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã giảm bớt diện tích trồng hành, chuyển sang các cây trồng khác cho thu nhập ổn định hơn.

Sáng 24/6, tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức khai giảng lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu bò cho 31 nông dân trên địa bàn xã.

Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ II-2015 được tổ chức từ ngày 18 đến 20-6 tại Hà Nội là nơi giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM. Đặc biệt, dịp này, 150 thanh niên nông thôn trong toàn quốc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của. Năm 2015, trong 6 người được Tỉnh Đoàn gửi hồ sơ xét giải, duy nhất Nguyễn Minh Dương, chủ trang trại VAC rộng 6ha, xóm 8, xã Xuân Đài, Xuân Trường, Nam Định được vinh danh.

Thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ khuyến nông năm 2015, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyếnnông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ khuyến nông với chủ đề “Bồi dưỡng nghiệp vụ khuyến nông và kỹ thuật phòng trị một số bệnh mới trên gia súc gia cầm” vào sáng ngày 23/6/2015 tại trạm khuyến nông Hóc Môn.