25.000 đồng một khuôn tạo hình lạ cho trái cây

Một số công ty thiết bị nông nghiệp tại TP HCM đã sản xuất số lượng lớn khuôn nhựa tạo hình để phục vụ cho việc sản xuất trái cây có hình dáng lạ như bưởi, hồ lô, dưa hấu vuông, xe hơi, dâu trái tim, cà chua hình sao…
Tuy sản xuất công nghiệp nhưng giá thành cho 1 khuôn bằng nhựa dẻo lên đến 25.000-40.000 đồng.
Một khuôn nhà vườn có thể sử dụng được 2-3 lần.
Những chiếc khuôn được lồng vào trái khi còn nhỏ, khi lớn trái sẽ được định hình trong khuôn, tạo ra hình thù theo sở thích người trồng.
Ông Nguyễn Quốc Đạt, giám đốc một công ty chuyên thiết kế bao bì nông sản ở quận Tân Bình cho biết, lúc trước để tạo hình lạ cho trái cây, nông dân phải tự thiết kế khuôn, việc này tốn nhiều thời gian và mẫu mã chưa đẹp.
Thấy được nhu cầu của nhà vườn ở miền Tây, công ty đã quyết định thiết kế và sản xuất đại trà nhiều mẫu khuôn có thể ứng dụng cho nhiều loại trái.
Theo ông Đạt, ngoài khuôn đẹp, muốn tạo hình trái cây thành công, nhà vườn phải ứng dụng những quy trình chăm sóc riêng để trái có hình dáng và màu sắc đẹp.
Riêng tháng 10, công ty đã xuất bán hơn 5.000 khuôn các loại, thị trường chủ yếu là các tỉnh miền Tây.
Giải thích nguyên nhân khuôn nhựa dẻo với chất liệu đơn giản lại có giá cao, ông Đạt phân trần, thực tế ngoài bán khuôn công ty còn kèm theo nhân viên trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng, theo dõi quá trình tạo hình cho trái ngay tại vườn.
So với giá trị trái bán ra gấp 10 lần giá thị trường thì chi phí đầu tư khuôn không quá cao.
Một trái ổi được tạo hình mục đồng thành công bằng khuôn nhựa trong.
Ông Sáu Hòa, nông dân huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cho biết, trái cây bán Tết chuẩn bị vào vụ, để bán được giá cao hơn nhiều nhà vườn đầu tư khuôn tạo hình, chủ yếu là bưởi và dưa hấu.
Năm trước chỉ có vài vườn tạo hình cho trái, nhưng năm nay việc mua khuôn dễ dàng, công nghệ tạo hình không quá khó nên nhiều vườn không ngại đầu tư hàng nghìn khuôn, thuê cả kỹ sư nông nghiệp về để tạo hình lạ cho trái.
Ông Huỳnh Trinh, một kỹ sư nông nghiệp ở Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết, cách tạo hình không quá khó.
Nhà vườn chỉ cần cho trái còn nhỏ vào khuôn, theo dõi sự phát triển, kê trái sao cho ánh sáng trải đều không tối mặt.
Trong quá trình trái phát triển trong khuôn, người trồng phải thường xuyên kiểm tra cân chỉnh để tránh trường hợp bị móp.
Trong khi đó anh, Trần Văn Miệt, chủ một vựa chuyên cung cấp trái cây ở huyện Mỏ Cày, Bến Tre, cho biết, giá nông sản ngày càng giảm, việc tạo hình lạ cho trái giúp nông dân bán được với giá cao.
Nếu bán ở tỉnh giá cao gấp 5 lần, ở TP HCM, Hà Nội giá gấp 10, nhưng tạo hình cho trái không đơn giản, thành công 40% là đạt.
“Chi phí đầu tư cao, ngoài tiền khuôn phải tốn thêm công chăm sóc đặc biệt.
Nếu không có sự tính toán, tìm kiếm thị trường hợp lý, chủ vườn có thể bị thua lỗ, trái hình dáng lạ không còn hiếm như trước.
Từ mức giá vài triệu đồng một cặp bưởi hồ lô khi mới xuất hiện, nhưng hiện nay, chỉ có giá 400.000 – 800.000 đồng/cặp.
Tùy thuộc vào kích thước, mẫu mã, giá thu mua ở vườn còn rẻ hơn”, anh Miệt cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Ông Ngô Văn Tua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Đông (Bình Tân - Vĩnh Long), cho biết thời gian gần đây trên ruộng khoai của ông và hộ trồng lân cận xuất hiện loài ốc lạ “cạp” khoai lang ngoài đồng, làm giảm đáng kể về năng suất và chất lượng.

Năm 2015, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã thực hiện mô hình luân canh 3 vụ bằng việc gieo cấy giống lúa chất lượng cao, rút ngắn thời gian thu hoạch để tập trung sản xuất vụ thứ 3 trên đất 2 vụ lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ…

Sáng 23/5, Công ty Giống cây trồng T.Ư phối hợp với HTX Nông nghiệp xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao Japonica (gọi tắt là QJ1) vụ xuân năm 2015.

Với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất giống nấm thương phẩm và chế biến tiêu thụ nấm theo quy mô công nghiệp khép kín, dự án "Hoàn thiện quy trình sản xuất một số loại nấm tại tỉnh Kiên Giang" do Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học – Công nghệ Kiên Giang thực hiện đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Ưu tiên lựa chọn ba loại gạo đặc sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia.