Phát Triển Nuôi Thủy Sản

Thực hiện chủ trương chuyển đổi những diện tích trồng lúa năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản, từ năm 2003, xã Hải Châu (Hải Hậu - Nam Định) đã chuyển đổi 3ha đất lúa ở xóm 10 sang nuôi cá diêu hồng. Đây là giống cá có khả năng thích ứng với thay đổi thời tiết, chịu nóng, lạnh tốt, ít nhiễm bệnh, lớn nhanh hơn cá truyền thống từ 2-3 lần, lại đẹp mã nên rất được ưa chuộng trong tiêu dùng, nhất là trong các nhà hàng, khách sạn...
Triển khai mô hình, ban đầu chỉ có 10 hộ tham gia. Khi bắt tay vào thực hiện, các hộ dân gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Song được tập huấn chuyển giao kỹ thuật kịp thời nên ngay năm đầu tiên thu hoạch đã cho hiệu quả cao hơn 3-4 lần so với cấy lúa.
Từ hiệu quả của việc chuyển đổi, năm 2006, Hiệp hội Đậu Nành (Hoa Kỳ) đã hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng chuyên canh và tổ chức cho các hộ nông dân trong xã tham quan mô hình cụ thể, trao đổi kinh nghiệm. Từ đó đến nay, diện tích nuôi cá diêu hồng chuyên canh trong xã tăng đáng kể.
Đến nay, toàn xã có hơn 80 hộ tham gia nuôi cá diêu hồng chuyên canh với tổng diện tích là 60,8ha. Mỗi năm cá diêu hồng chỉ nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 4, các hộ đồng loạt xuống giống cho đến tháng 12 thu hoạch. Dù chỉ nuôi 1 vụ nhưng mỗi năm các hộ nuôi trong xã thu hoạch trên 600 tấn cá diêu hồng, cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng…
Theo tính toán của các hộ nuôi, mỗi ha cho năng suất hơn 11 tấn, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng và cho thu lãi 140-150 triệu đồng/ha. Trong năm 2012, sản lượng cá diêu hồng toàn xã đạt 680 tấn, nhiều hộ thu lãi từ 200-300 triệu đồng. Tiêu biểu có hộ các ông: Trần Đình Thắng, Đỗ Văn Thực, Nguyễn Văn Nhường…
Ngoài cá diêu hồng, các hộ dân trong xã còn nuôi 5ha tôm sú, tôm thẻ chân trắng và 11,8ha cá truyền thống. Nhận thức được việc nuôi thủy sản đơn lẻ thường gặp khó khăn do bị tác động bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh, thị trường, thức ăn…, từ năm 2005, xã đã thành lập CLB nuôi trồng thủy sản. CLB đã liên kết các hộ nuôi thuỷ sản trong xã, hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng công nghệ nuôi cá diêu hồng công nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, đối phó dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Hiện nay, CLB thu hút 32 hộ nuôi cá diêu hồng tại địa phương tham gia. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Bình, xóm 7 vào thời điểm anh đang thu hoạch cá cho đủ chuyến hàng xuất đi Hải Phòng và Hà Nội. Anh Bình cho biết, trước đây mỗi lần thu hoạch cá, gia đình anh phải thuê khoảng 15 lao động đến phụ giúp việc kéo lưới, với tiền công 120 nghìn đồng/người. Tham gia CLB nuôi trồng thủy sản, các hội viên đã hợp tác đổi công cho nhau, nên gia đình không phải thuê lao động thu hoạch cá nữa.
Nhờ đó, mỗi lần thu hoạch cá, gia đình anh tiết kiệm được 2 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Thực, chủ nhiệm CLB nuôi trồng thủy sản xã Hải Châu cho biết: Khi mới thành lập CLB, một số hộ nuôi thuỷ sản chưa nhận thức rõ được quyền lợi và trách nhiệm của mình nên chưa nhiệt tình. Nay qua thực tế hoạt động và được tuyên truyền, đã có thêm một số hộ dân tham gia vào CLB.
Trong những năm qua, CLB đã cung ứng con giống có chất lượng tốt cho các hội viên và những hộ nuôi trong xã. Hiện, một số hội viên trong CLB còn đứng ra cung ứng thức ăn chăn nuôi, thu mua cá thương phẩm để đưa đi các tỉnh tiêu thụ, góp phần bảo đảm ổn định đầu ra cho người nuôi thuỷ sản trong xã.
Những ngày qua, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, các hộ nông dân trong xã Hải Châu đang khẩn trương thu hoạch cá. Dự kiến, năm nay, sản lượng cá diêu hồng toàn xã ước đạt 682 tấn, cá truyền thống ước đạt 106 tấn; doanh thu từ nuôi thuỷ sản của xã ước đạt trên 23 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày cuối tháng 7, các vùng quê huyện Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị) đang vào mùa thu hoạch bơ. Nông dân rất phấn khởi vì vụ bơ năm nay được mùa, cho thu nhập cao.

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã nuôi thả 15.567ha, trong đó nuôi nội đồng 9.410ha, nuôi mặn lợ 6.159ha.

Ngành chăn nuôi tỉnh Hà Nam hiện có tổng đàn khoảng hơn bốn triệu con gia cầm và 450 nghìn con lợn; hơn 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, công suất hàng triệu tấn/năm. Ðể chăn nuôi có hiệu quả, mới đây UBND tỉnh Hà Nam đã có chủ trương thực hiện mô hình cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm đến tận các hộ chăn nuôi với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN và PTNT) Hà Nam, bước đầu mang lại nhiều lợi ích.

Hiện nay, có 4 loài cá lóc được người dân nuôi phổ biến là: Cá lóc đen (Ophiocephalus striatus), cá lóc bông (Ophiocephalus microphetes), cá lóc môi trề (Ophiocephalus sp) và cá lóc nhím (cá lóc lai giữa cá lóc đen và cá lóc môi trề).

Trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Tỵ, ngư dân ở 5 xã ven đầm Ô Loan (Tuy An - Phú Yên), có thu nhập cao từ khai thác tôm đất tại đầm này.