Yên Sơn Phát Triển Kinh Tế Rừng

Năm 2013 huyện Yên Sơn tiếp tục xác định việc trồng rừng và phát triển kinh tế rừng là một lĩnh vực quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Ngay từ cuối năm 2012, huyện đã giao trách nhiệm cho UBND các xã chỉ tiêu về diện tích trồng rừng dựa trên kế hoạch và điều kiện tự nhiên sẵn có của từng xã. Đồng thời, quán triệt việc thực hiện trồng theo đúng khung thời vụ đã đưa ra. Năm nay, việc đăng ký trồng rừng tại các xã được tiến hành khẩn trương; đến hết quý I, toàn huyện có 3 công ty lâm nghiệp Yên Sơn, Tuyên Bình, Nguyễn Văn Trỗi và 30 xã đăng ký trồng 4.032,3/4.000 ha kế hoạch. Tính đến hết ngày 20-6 toàn huyện đã trồng được 3.076,4 ha (đạt 80,8% kế hoạch).
Vườn ươm cây giống lâm nghiệp của anh Lê Viết Dần, thôn Lâm Sơn, xã Trung Sơn cung cấp cho nhu cầu trồng rừng của nhân dân trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Sơn cho biết: Năm nay, công tác chuẩn bị trồng rừng được huyện triển khai sớm hơn những năm trước. Phòng Nông nghiệp & PTNT được huyện giao việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện trồng rừng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong huyện tiến hành tuyên truyền về lợi ích của việc trồng rừng tới nhân dân trong huyện; từ đó, nhận thức của người dân đã được nâng cao, người dân tích cực tham gia đăng ký trồng rừng.
Theo chỉ tiêu, năm 2013 huyện Yên Sơn trồng 4.000 ha rừng, trong đó rừng tập trung là 3.910 ha, rừng phân tán 90 ha. Các xã có chỉ tiêu trồng rừng nhiều là: Hùng Lợi 220 ha; Trung Sơn 200 ha; Kiến Thiết 276 ha… Đến nay, có trên 7 triệu cây giống chủ yếu là keo lai và mỡ đã được các công ty lâm nghiệp, người dân gieo ươm đảm bảo đủ cho vụ trồng rừng. Toàn huyện phấn đấu đến tháng 9 hoàn thành công tác trồng rừng năm 2013.
Tại xã Nhữ Khê, tranh thủ những ngày mưa thuận lợi, nhiều người dân đã lên đồi tiến hành trồng rừng. Đồng chí Trần Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nhữ Khê cho biết: Năm nay, xã có kế hoạch trồng mới 27 ha, gồm 25 ha rừng tập trung, 2 ha rừng phân tán. Đến nay, các hộ dân trong xã đang tiến hành dọn thực bì, cuốc hố và trồng mới...
Gia đình anh Nguyễn Quốc Việt ở thôn Thọ Xuân là hộ tiêu biểu về trồng rừng của xã năm 2012. Năm nay, anh Việt đã huy động các thành viên trong gia đình và thuê thêm 5 nhân công tiến hành dọn thực bì, cuốc hố, mua cây giống để trồng mới trên 2 ha keo hom làm nguyên liệu giấy. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay ngay từ khâu làm đất, đào hố, gia đình ông đều làm theo hướng dẫn, đúng kỹ thuật, đúng thời vụ.
Theo anh Lê Viết Dần, thôn Lâm Sơn, xã Trung Sơn, bình quân mỗi năm, gia đình anh sản xuất và bán ra thị trường trên 200.000 cây giống lâm nghiệp các loại, phục vụ trồng rừng đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng. Anh còn tạo điều kiện cho bà con khó khăn, bằng việc cho ứng trước cây giống về trồng kịp thời vụ, sau này có thể trả bằng nông sản.
Cùng với việc trồng rừng, công tác bảo vệ rừng cũng được huyện Yên Sơn chú trọng. Hạt kiểm lâm và chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, triển khai ký cam kết bảo vệ rừng đến từng địa phương và các gia đình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong 6 tháng, hạt kiểm lâm huyện đã thực hiện 153 cuộc tuyên truyền, học tập, ký cam kết với 6.133 lượt người về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Có thể bạn quan tâm
Hay tin khoai lang rớt giá, trong thời gian ngắn đã có nhiều đơn vị đến tìm hiểu thu mua nhằm hỗ trợ nông dân trong lúc khó khăn. Đây không phải là giải pháp lâu dài nhưng việc làm đã mang ý nghĩa thiết thực, được cộng đồng xã hội đánh giá cao.

Ngày 13/8, tại TP Hồ Chí Minh, Quỹ Hòa bình và Phát triển TP phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Trí Việt, tổ chức buổi “Tọa đàm về giống cây trồng biến đổi gen”.

Về làng Bình An, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (Bắc Giang) những ngày này, thấy rất nhiều vườn nhãn trĩu quả. Gia đình ông Hoàng Văn Đại có diện tích trồng nhãn nhiều nhất của thôn. Ông từng đại diện cho “nhãn làng” giành giải Nhất cuộc thi chung khảo về bình tuyển nhãn ưu tú do Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện trên địa bàn huyện năm 2011.

Phường Phương Nam (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) nằm ở vị trí trũng, cứ mỗi trận mưa to, nước ở khu vực các xã, phường Thượng Yên Công, Phương Đông (TP Uông Bí); Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều) và nơi xả lũ từ hồ đập Tân Yên (huyện Đông Triều) đổ về. Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã làm đổ 2 nhà dân, ngập 265 nhà, đặc biệt làm ngập toàn bộ 365ha cây vải chín sớm Phương Nam, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

Năm nay, nhiều vườn nhãn của các hộ dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai không cho thu hoạch quả. Chỉ số ít cây nhãn cho thu hoạch, nhưng quả nhỏ, nên giá bán thấp hơn so với sản phẩm cùng loại. Nhãn mất mùa, giá thấp đã khiến nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng rầu lòng, lo lắng đến định hướng và phát triển cây trồng này trong tương lai.