Yến sào giá nào cũng có

Cửa hàng yến xuất hiện ngày một nhiều ở TP HCM, giá chênh lệch đáng kể nhưng nhìn chung có xu hướng ngày càng giảm. Ở hệ thống siêu thị, nếu trước đây loại 50 gram đa phần có giá 5-6 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 2,5-4 triệu. Tại các cửa hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng 8..., 50 gram yến sào giá dao động 3-5 triệu đồng, ngoài ra sản phẩm còn được tặng kèm hàng khuyến mại.
Các chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Bà Chiểu (Bình Thạnh) còn bán hàng chưa nhặt lông xuất xứ Khánh Hòa, Cần Giờ, Phú Yên… Trong chợ Bà Chiểu, nhiều sản phẩm in chữ Trung Quốc và được đóng trong hộp vuông, nhưng không ghi ngày tháng, tên đơn vị sản xuất. Ban đầu, hộp 50 gram chủ sạp nói giá 3 triệu đồng. Nhưng khi khách hàng không hài lòng, họ tiếp tục giảm xuống một triệu đồng, và cuối cùng chỉ còn vài trăm nghìn đồng.
Mức giá tại chợ Bình Tây cũng chỉ dao động quanh mức 500.000 - 2 triệu đồng cho 50 gram. Nhiều sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, chỉ được đựng trong những túi nylon hàn kín hoặc buộc thun. Sản phẩm có màu trắng ngả vàng thay vì trắng ngà như những sản phẩm tại cửa hàng lớn.
Trên các website chuyên bán yến, nhiều nơi giảm giá tới 97%, giá rao bán 99.000-120.000 đồng 100 gram, kèm khuyến mãi tai yến và nồi chưng.
Một chủ nuôi và chế biến tại quận 9 (TP HCM) chia sẻ tổ yến khai thác tự nhiên giá lên đến cả chục triệu đồng 100 gram, loại nuôi rẻ nhất cũng phải từ 2,5 triệu đồng.
“Để có được sản phẩm đạt chất lượng không hề đơn giản. Ngoài việc đầu tư xây nhà nuôi yến, thì công đoạn thu gom, nhặt lông, đóng gói… cũng tốn nhiều chi phí. Nếu bán với giá trên thì chỉ có lỗ chứ không thể lời”, chủ cơ sở nói.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Yến sào Sài Gòn Anpha nhận xét, sản phẩm tốt không hề có mức giá rẻ như thế. “Trên thị trường xuất hiện nhiều loại yến sào giả, kém chất lượng được làm từ một số nguyên liệu giống yến rất tinh vi. Nếu không phải là người trong nghề lâu năm sẽ rất khó phát hiện”, ông Tuấn nói.
Còn với những sản phẩm mà một số công ty chào hàng trên website với mức giá giảm tới 98%, ông Tuấn cho biết có thể là cách doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng nhằm giúp ghi nhớ thương hiệu. Tuy nhiên, số lượng này rất ít và vấn đề chất lượng cũng cần xem xét lại.
Ông Tuấn khuyên, để mua sản phẩm đạt chất lượng, người tiêu dùng nên mua ở những nơi có thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm bán ra phải có hóa đơn chứng từ và kiểm định về y tế cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, để khi muốn khiếu nại người dùng có được nhiều quyền lợi hơn và có thể đổi trả sản phẩm theo ý muốn.
Theo các chủ nuôi yến, tổ yến thật có màu trắng ngà, có mùi tanh, hàm lượng protein 40-60%, có 20 loại acid amin và hoàn toàn không có tinh bột. Còn tổ yến giả là hỗn tạp tinh bột, lòng trắng trứng gà, sụn cước cá hoặc được làm từ keo Agenat trộn lẫn với tinh bột mì.
Để nhận biết tổ yến là thật hay giả, cho sản phẩm vào dung dịch iot, nếu yến sào thô có phủ bột hoặc giả sẽ chuyển sang màu xanh. Đối với yến huyết, sản phẩm có màu đỏ hoặc hồng, khi nhúng một ít vào nước trà nếu gặp loại giả nhuộm oxit sắt sẽ phản ứng hóa học và đen sẫm lại.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất chấp những khó khăn, thách thức từ nội tại và thị trường nước ngoài, XK thủy sản năm 2014 vẫn đạt khoảng 7,8 - 7,9 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2013. Có kết quả này là do ngành thủy sản đã nắm bắt được một số cơ hội thuận lợi cũng như tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu.

Phát huy lợi thế mặt nước, thực hiện đa dạng hóa cây trồng vật nuôi nhằm khai thác nguồn lực phục vụ phát triển, thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang được nhiều hộ dân quan tâm, mở rộng quy mô, diện tích chăn nuôi, góp phần đáng kể trong nâng cao thu nhập cho người dân.

Cá lau kiếng còn gọi là cá dọn bể hay cá tỳ bà, loại cá nước ngọt, có xuất xứ từ Nam Mỹ được người chơi cá cảnh trong nước nhập về để nuôi làm cảnh, nhưng sau đó phát tán ra môi trường tự nhiên khiến chúng sinh sôi và xuất hiện tại hầu khắp các sông, rạch, ao, hồ tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL trong những năm gần đây.

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản về nguy cơ, tác hại của bệnh dịch trong nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản an toàn và bền vững, nhiều địa phương đã lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2015.

“Với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 7,92 tỷ USD, vượt kế hoạch hơn 1 tỷ USD, đây là một năm rất thành công, nhưng cũng là năm đầy vất vả của cả nông dân và doanh nghiệp (DN)”, đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại buổi gặp gỡ báo chí TPHCM ngày cuối năm 2014.