Yên Minh, Khó Khăn Trong Sản Xuất Vụ Xuân

Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết trong thời gian vừa qua như rét đậm, rét hại kéo dài, hạn hán... việc triển khai sản xuất vụ Xuân ở Yên Minh theo đúng khung thời vụ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng năm, do những yếu tố khách quan về thời tiết, khí hậu, nguồn nước làm cho sản xuất vụ Xuân ở Yên Minh thường chậm hơn so với các huyện khác từ 10 đến 15 ngày. Năm nay, theo chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp huyện Yên Minh đã triển khai đến toàn thể bà con trong huyện gieo trồng vụ Xuân sớm hơn mọi năm, theo đúng khung thời vụ của tỉnh để ra. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại việc gieo trồng các loại cây vụ Xuân ở Yên Minh đang gặp rất nhiều khó khăn.
Vụ Xuân năm nay, huyện Yên Minh tập trung chủ yếu vào 3 loại cây là cây lúa, cây ngô và cây đậu tương. Trong đó: diện tích gieo cấy lúa xuân là 450 ha; diện tích ngô là 7.522 ha (gồm ngô xuống ruộng và ngô chính vụ); đậu tương là 310 ha.
Hiện nay, đối với diện tích ngô xuống ruộng và đậu tương, bà con nhân dân đã gieo trồng hoàn thành và vượt kế hoạch huyện đề ra ngay từ giữa tháng 2. Tuy nhiên do thời tiết rét đậm kéo dài, không có mưa xuân nên đến nay cây ngô mới đang trong giai đoạn nảy mầm.
Với diện tích ngô chính vụ, do trên địa bàn huyện từ Tết Nguyên đán đến nay không hề có mưa, thiếu nước nên mới triển khai gieo trồng được 2.245ha/6.867,5ha tổng diện tích, số diện tích còn lại bà con vẫn đang triển khai làm đất kết hợp gieo trồng để đảm bảo hoàn thành trước ngày 5.5. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong sản xuất vụ Xuân năm nay ở Yên Minh là việc triển khai cấy lúa xuân. Theo khung thời vụ của huyện đề ra thì đến hết ngày 10.3 toàn huyện phải hoàn thành cấy xong trà xuân muộn.
Tuy nhiên đến nay toàn huyện mới tiến hành cấy được trên 30 ha trên tổng số 450 ha diện tích lúa xuân. Anh Nguyễn Đình Duẩn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Ngay từ cuối tháng 1, diện tích gieo mạ chuẩn bị cho vụ Xuân đã được huyện triển khai đủ. Đến nay cây mạ đã đủ tuổi (25-30 ngày tuổi với trà sớm) nhưng vẫn không đủ yêu cầu để cấy.
Nguyên nhân là do thời tiết rét đậm kéo dài khiến cây mạ sinh trưởng chậm chỉ có 3 đến 4 lá, nếu tiến hành cấy sẽ không đảm bảo sự phát triển của cây lúa và năng suất lúa vụ Xuân (mạ đủ điều kiện cấy ngoài đủ số ngày tuổi và phải có ít nhất 4 lá trở lên mới đảm bảo sự sinh trưởng của cây lúa về sau). Cho nên việc hoàn thành cây lúa xuân không thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra”. Có thể thấy, tình trạng khô hạn và rét đậm kéo dài trong thời gian qua là nguyên nhân và khó khăn chính trong sản xuất vụ xuân năm nay ở Yên Minh.
Để khắc phục những khó khăn trên, cố gắng hoàn thành gieo cấy kịp khung thời vụ, Phòng NN-PTNT huyện đã phân công cán bộ phụ trách xã tập trung hướng dẫn bà con tăng cường thâm canh cây mạ và chủ động phòng, chống rét cho mạ; điều tiết đủ lượng nước vào đồng ruộng.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên như thời tiết, lượng mưa... Vì vậy, từ nay đến cuối tháng 3 trên địa bàn huyện Yên Minh vẫn không có mưa, không đủ lượng nước, độ ẩm thì vụ Xuân khó có thể hoàn thành đúng khung thời vụ đề ra.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) đã nỗ lực vận động và tạo điều kiện cho hội viên (HV) giúp nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ chăn nuôi, trồng rừng, đạt hiệu quả thiết thực.
Ngoài bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm thường gặp, bệnh thán thư trên cây tiêu cũng là một đối tượng gây thiệt hại đáng kể.

Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh cho biết, năm 2016 Trung tâm sẽ xây dựng 19 mô hình khuyến nông - khuyến ngư (đã được UBND tỉnh phê duyệt) nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân.

Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Nhằm giải quyết đầu ra cho cây mì trên địa bàn huyện, Công ty TNHH Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh đã đầu tư gần 140 tỉ đồng xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì với công suất chế biến 250 tấn nguyên liệu/ngày tại Cụm Công nghiệp Tà Súc.

Cuối năm nay, tiêu chuẩn VietGAP trong ngành thủy sản sẽ tham gia chương trình Tổ chức Sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu, một mốc quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam được quốc tế công nhận.