Yên Bái Hiệu Quả Từ Nuôi Ba Ba Sinh Sản

Nếu như Lục Yên (Yên Bái) có cá bỗng, thành phố Yên Bái và Văn Yên có cá chiên, Mù Cang Chải có cá hồi, Yên Bình có cá tầm… thì ba ba đã thành thương hiệu riêng có của Văn Chấn.
Chăn nuôi ba ba ở đây đang trở thành một nghề cho thu nhập tiền tỷ. Nhiều gia đình ở xã Cát Thịnh, Tân Thịnh, thị trấn nông trường Trần Phú, xã Nghĩa Tâm có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thập niên 90 của thế kỷ trước, một số hộ dân bắt được ba ba con ở suối Phà, suối Lao mang về để nuôi thử. Hợp nước, hợp tay, hợp khí hậu nên ba ba lớn rất nhanh, đặc biệt là đến mùa sinh sản, một số con đã lên bãi đẻ trứng. Từ đó, những mô hình nuôi ba ba sinh sản đầu tiên đã ra đời ở thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh.
Những hộ nuôi thấy nuôi loại con này ít bệnh tật, dễ nuôi mà thu nhập lại cao, giá con giống tăng dần qua các năm. Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi ba ba nên huyện Văn Chấn đã áp dụng chính sách khuyến khích nghề nuôi ba ba phát triển. Những lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được tổ chức thường xuyên; những chương trình hỗ trợ vốn từ ngân hàng được triển khai…
Theo các hộ chăn nuôi thì nuôi ba ba không khó nhưng đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi nghiêm ngặt, đặc biệt là phải có nguồn nước sạch và một vấn đề khá quan trọng là vốn đầu tư lớn hơn các loại vật nuôi khác nhưng bù lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện có trên 16ha nuôi ba ba, sản lượng đạt trên 64 tấn/năm.
Là một trong những xã đầu tiên nuôi ba ba, đến nay, xã Cát Thịnh có trên 300 hộ nuôi tập trung ở các thôn Ba Khe, Văn Hưng.
Để nghề nuôi ba ba phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ đã biết liên kết và thành lập chi hội nuôi ba ba để giúp nhau về kỹ thuật chăn nuôi, con giống, duy trì mối quan hệ giữa các hộ gia đình nuôi ba ba trong và ngoài xã để xây dựng thị trường chung. Vì vậy, trên địa bàn không xảy ra tình trạng bị tư thương ép giá.
Ông Trần Nam Huân - Chi hội trưởng Chi hội nuôi ba ba thôn Văn Hưng cho biết: “Là người miền xuôi lên lập nghiệp, tôi cũng đã nuôi thử nhiều loại con nhưng thấy con ba ba này cho hiệu quả kinh tế cao nhất”. Gia đình ông Huân giờ đang nuôi 45 con ba ba sinh sản và 20 con ba ba đực, bình quân gần 10kg/con.
Mỗi năm, ông bán được khoảng 700 con giống với giá hiện nay 200.000 đồng/con, cho thu nhập 140 triệu đồng. Trừ 10 triệu đồng tiền thức ăn thì mỗi năm, từ nuôi ba ba mang về cho gia đình ông 130 triệu đồng.
Cũng như gia đình ông Huân, nhiều hộ giàu lên nhờ nuôi ba ba như gia đình ông Nguyễn Văn Nghị, Trần Văn Cánh, Đoàn Vũ Tuấn, Nguyễn Ngọc Bắc ở thôn Văn Hưng; Bùi Văn Đương - Ngã ba Ba Khe; Hoàng Văn Cửu - thôn Ba Khe 3…
Thị trấn Nông trường Trần Phú cũng được nhiều người biết đến bởi nghề nuôi ba ba thu tiền tỷ. Lúc đầu, ở đây chỉ có vài hộ nuôi, sau đó thấy hiệu quả kinh tế cao nên người dân nuôi ba ba để xóa đói giảm nghèo.
Ở thị trấn xuất hiện nhiều hộ nuôi ba ba quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình ông: Nguyễn Hoành Cương, Nguyễn Mạnh Hùng ở tổ dân phố 10A; Nguyễn Văn Cường, tổ dân phố Trung Tâm; Phạm Văn Vê, tổ dân phố 10B…
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở tổ dân phố Trung Tâm là hộ nuôi ba ba với quy mô tập trung lớn nhất, nhì thị trấn. Hiện nay, ông nuôi trên 100 con ba ba thương phẩm và 50 con ba ba sinh sản, mỗi năm sau khi đã trừ chi phí cũng mang lại trên 200 triệu đồng.
Để phục vụ việc ấp nở trứng ba ba, ông Cường xây dựng nhà ấp trứng hiện đại với hệ thống đo nhiệt độ, độ ẩm tự động điều chỉnh đã góp phần tăng tỷ lệ nở ba ba con cao hơn. Tập trung phát triển chăn nuôi thủy đặc sản, hiện nay, Văn Chấn khuyến khích thành lập tổ hợp tác xã, hợp tác xã, nhóm hộ nuôi ba ba gai giống. Hàng năm, huyện dự kiến sản xuất và bán từ 20.000 - 25.000 con ba ba gai giống ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Lại bắt đầu một mùa vụ ba ba mới, người dân ở đây đang tất bật bên những nhà ấp để đón ba ba con. Giá đầu vụ tuy chỉ ở mức trên 200.000 đồng/con nhưng người nuôi vẫn có lãi. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ mới chỉ sản xuất ba ba giống chứ chưa có nhiều hộ nuôi ba ba thương phẩm. Thực tế nhím và nhiều loại con đặc sản khác đã từng được nuôi nhưng không có đầu ra khi thị trường trở nên bão hòa. Vì vậy rất cần có một hướng đi bền vững cho ba ba.
Có thể bạn quan tâm

Cùng là nghề chăn nuôi, đầu tư vốn không lớn và thị trường tiêu thụ khá ổn định, trong khi đó hiệu quả lại cao hơn gấp 2 lần so với nuôi vịt thường. Đó là mô hình chăn nuôi vịt trời mà gia đình ông Trần Đình Tập, thôn Tân Hương, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thực hiện từ hơn một năm nay.

Sáng 16-12, tại xóm Phẩm 2, UBND xã Dương Thành (Phú Bình - Thái Nguyên) đã tổ chức Lễ đón bằng công nhận và cắt băng khánh thành cổng Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa làng Phẩm. Đến dự có đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Anh Vũ cho biết: Đàn gà nhiều, mình tự tiêm phòng cho gà, nên mỗi đợt tiêm phòng hai vợ chồng phải làm việc cật lực cả ngày đêm. Quá trình nuôi mình liên tục quan sát, thấy con gà nào lơ ăn cho tách riêng theo dõi, chữa trị. Khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa, tăng cường thức ăn, nước uống giàu vitamin để gà tăng sức đề kháng. Nhờ vậy đàn gà tránh được dịch bệnh, cho trứng đạt tỉ lệ 80% trở lên.

Ngoài ra, sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường gần đây vẫn ở mức bình thường, thậm chí có phần yếu do có giá bán cao hơn so với nhiều loại cá, thịt khác. Với nguồn cung dồi dào, cùng xu hướng giảm giá của xăng dầu và nhiều loại thực phẩm tươi sống khác, giới kinh doanh thịt heo dự đoán, giá heo hơi sẽ có xu hướng bình ổn trong thời gian tới, khó biến động tăng mạnh trở lại dù nhu cầu tiêu thụ thịt heo được dự đoán tăng cao vào dịp lễ, Tết cuối năm.

Ông Huỳnh Thanh Hải (thôn 4, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak) bắt tay vào xây dựng trang trại nuôi gà từ năm 2011, trên diện tích 1,25 ha đất trồng cà phê già cỗi. Từ 3 nhà lạnh với quy mô 3.500 con/nhà, đến nay ông đã phát triển thành một hệ thống trang trại khép kín với 7 nhà lạnh nuôi gà đẻ trứng; mỗi nhà lạnh có diện tích hơn 500 m2.