Xuất Khẩu Tiêu Khẳng Định Vị Thế Số 1

14 năm giữ vị trí số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu, hạt tiêu đang dần khẳng định vị thế một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2014, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu mặt hàng này bước vào câu lạc bộ “tỷ đô”, đóng góp chung cho thành tích xuất khẩu cả nước.
Theo Bộ Công Thương, hạt tiêu Việt Nam đã có mặt ở khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và năm 2014, xuất khẩu hạt tiêu đạt hơn 1,2 tỷ USD với khối lượng 156 nghìn tấn, tăng 17 % về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với năm 2013. Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2014 đạt gần 8 nghìn USD/tấn, tăng 14,76% so với cùng kỳ năm 2013. Việt Nam hiện chiếm trên 50% thị phần xuất khẩu tiêu toàn thế giới.
Hoa Kỳ tiếp tục trở thành thị trường tiêu thụ nhiều hạt tiêu nhất của Việt Nam, đạt mức tăng trưởng 39,42% về kim ngạch trong năm 2014 với trị giá 254,92 triệu USD, chiếm 21,22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước.
Đứng thứ 2 là thị trường Singapore, với kim ngạch đạt 106,58 triệu USD, chiếm 8,87%, tăng 67,41%. Tiếp đến thị trường U.A.E đạt giá trị 83,63 triệu USD, tăng 51,58%, chiếm 6,96%; thị trường Ấn Độ chiếm 6,44%, với 77,33 triệu USD, tăng mạnh 113,66%; thị trường Hà Lan chiếm 6,26%, đạt kim ngạch 75,25 triệu USD, tăng 22,33%.
Đáng lưu ý, mức tăng trưởng kim ngạch mạnh nhất năm 2014 thuộc về các thị trường Pakistan (tăng 120,29%, đạt 34,12 triệu USD); Ấn Độ (tăng 113,66%, đạt 77,33 triệu USD); Malaysia (tăng 108,03%, đạt 12,81 triệu USD).
Thực tế cho thấy, chuỗi giá trị hạt tiêu toàn cầu đã có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Riêng doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu tiêu hiện khoảng 200 doanh nghiệp, trong đó 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu, chiếm 70% sản lượng xuất cả nước. Họ cũng là những doanh nghiệp đi tiên phong xây dựng mô hình liên kết chuỗi hiệu quả như trực tiếp cùng nông dân tổ chức canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, IPCGap…
Đây là các phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ để có sản phẩm an toàn, chất lượng, đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, xâm nhập trực tiếp vào thị trường cao cấp. Năm 2014, các doanh nghiệp cũng tăng mạnh chế biến sâu, giảm dần xuất khẩu thô, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, cho giá cả gia tăng cao hơn.
Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) dự báo, năm 2015, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới vẫn tăng, ước khoảng 416 nghìn tấn và giá cả vẫn duy trì ở mức cao. Do vậy, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, cần củng cố nâng cao chất lượng, tập trung đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch và đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu để khai thác thị trường mới, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2015, Việt Nam dự kiến tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại mới quan trọng có mức độ cam kết sâu, đặc biệt tại các thị trường như EU, Hoa Kỳ, khu vực ASEAN. Điều này tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến và sản xuất hạt tiêu và trong tiến trình đó, tập trung xây dựng các doanh nghiệp mạnh dẫn dắt thị trường để phát triển bền vững là một chiến lược cần thiết.
Có thể bạn quan tâm

Từ ngày 16-5, ngư trường tỉnh Ninh Thuận xuất hiện một luồng cá nục lớn, với mật độ dày đặc. Các chuyến ra khơi của ngư dân làm nghề vây rút chì đều có lãi cao.

Hiện nay, nông dân huyện Tam Đường (Lai Châu) đang tích cực trồng xen, thâm canh 2 vụ đậu tương/năm tại diện tích đất trống của nương ngô, bờ ruộng, đồi chè và mắc ca chưa phát tán nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập gia đình.

Dau một thời gian giá trầm lắng với mức 25 ngàn/kg, dâu tây Đà Lạt đột ngột tăng lên mức 45 - 50 ngàn đồng/kg dâu mỹ đá và 90 - 100 ngàn đồng/kg dâu giống New Zealand. Đây là giá dâu bán xô, dâu mua ngay tại nhà vườn chưa qua tuyển lựa.

Thượng tá Nguyễn Đình Hùng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cho biết chiều 17/5 vừa qua, đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một lượng lớn chất cấm trong chăn nuôi tại đại lý mua bán thức ăn gia súc, gia cầm Thanh Tùng, ở thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Thời gian gần đây nông dân các tỉnh ĐBSCL tăng diện tích trồng khoai lang, đặc biệt là giống khoai lang tím Nhật để xuất sang Trung Quốc. Tìm thị trường xuất khẩu khoai lang ổn định, bền vững đang là vấn đề cấp bách đặt ra. Vấn đề này được nhiều đại biểu bàn thảo sôi nổi tại hội thảo “Mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang” - do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long tổ chức ngày 7-9.