Xuất Khẩu Thủy Sản Dự Báo Đạt 7 Tỉ Đô La Mỹ Cả Năm

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay khoảng 7 tỉ đô la Mỹ, tăng 5% so với năm 2013.
Vasep cho biết riêng mặt hàng tôm năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng và có thể mang về cho Việt Nam khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ do việc xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc vẫn khả quan.
Cơ sở để Vasep đưa ra dự báo trên là căn cứ trên tình hình xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay, đạt 2,86 tỉ đô la Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm tăng ở tất cả các thị trường, còn xuất khẩu cá tra, bạch tuộc đã có dấu hiệu phục hồi.
Cụ thể, trong số 2,86 tỉ đô la Mỹ nói trên, mặt hàng tôm chiếm trên 49%, tương đương 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2013. Tôm xuất khẩu qua thị trường Mỹ có giá trị tăng trưởng đến 120%, Hàn Quốc 108%, Thụy Sĩ là 109%, còn các thị trường khác đều có mức tăng trưởng từ 11-96%.
Cá tra vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ thị trường Mỹ, còn các thị trường mới như ASEAN, châu Mỹ vẫn tăng dù thấp hơn.
Vasep dự báo mặt hàng bạch tuộc xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng và có thể đạt 470 triệu đô la Mỹ trong năm nay, còn xuất khẩu cá ngừ sẽ gặp những khó khăn nhất định và chỉ đạt khoảng 450 triệu đô la Mỹ, giảm 15% so với năm 2013.
Ngày 12-6, Vasep có cuộc họp bất thường để lấy ý kiến sửa đổi một số điều lệ của hiệp hội. Cuộc họp đã đưa ra những dự báo tích cực về xuất khẩu thủy sản trong năm nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hội viên còn bàn luận về Nghị định 36/2014/NĐ-CP về sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra, về dịch bệnh trên tôm và nhiều vấn đề của ngành thủy sản khác.
Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn cây trồng, vật nuôi bản địa là một trong những nhiệm vụ cần thiết để giữ gìn các nguồn gen đặc trưng này trước nguy cơ suy giảm, thoái hóa. Tuy nhiên, để công tác bảo tồn phát huy hiệu quả, thì câu chuyện “hậu” bảo tồn cũng cần được chú trọng để không lãng phí nguồn gen quý.

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các vùng trồng cà phê trong tỉnh đã xuất hiện bệnh rụng quả cà phê làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ thu hoạch tới.

Thời gian gần đây, tình trạng nông dân tự phát chặt bỏ cây cao su đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với diện tích lên đến hàng ngàn ha thật sự là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý, đặc biệt là ngành Nông nghiệp.

Trước áp lực gia tăng dân số, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đưa cây trồng biến đổi gien (CTBĐG) vào sản xuất. Thực tế cho thấy, các nước đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng CTBĐG đã thu lợi rất lớn so với các nước khác.

Do nắng nóng kéo dài nên nguồn nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Bình Định bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong vụ Hè Thu (HT) năm nay, nông dân nhiều địa phương đã chuyển diện tích lúa thiếu nước sang canh tác các loại cây trồng cạn, lợi nhuận tăng lên đáng kể.