Xuất khẩu sang Australia giảm do ảnh hưởng giá dầu thô

Mặt hàng rau quả nhập khẩu từ Australia giảm 61,6%.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt 2,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 1,77 tỷ USD, giảm 24,8%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 1,14 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, Việt Nam xuất siêu khoảng 630 triệu USD sang Australia.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia giảm chủ yếu là do giá dầu thô trên toàn thế giới giảm mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm tới 65,8%.
Trong mấy năm gần đây, xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 1/2 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, do vậy với kim ngạch dầu thô giảm mạnh sẽ kéo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu thô sang Australia vẫn tăng 25% so với cùng kỳ năm 2014. Theo đó, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 150% đạt 122,013 triệu USD, trong khi đó mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 89,7%.
Ở chiều ngược lại, mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng mạnh nhất là chất dẻo nguyên liệu, tăng 154,3%, tiếp đến là sắt thép các loại tăng 88,6%.
Đáng chú ý, mặt hàng rau quả nhập khẩu từ Australia giảm mạnh tới 61,6%. Nguyên nhân là do từ ngày 1-1-2015, Việt Nam đã không cấp phép nhập khẩu cho hoa quả và rau Australia với lý do lo ngại ruồi giấm. Tuy nhiên, từ ngày 1-8, Bộ NN&PTNTcho phép mở cửa nhập khẩu trở lại sản phẩm cam, quýt và nho từ thị trường Australia.
Theo ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật ( Bộ NN&PTNT), mới đây, Việt Nam đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tại Australia và nhận thấy, ba loại quả cam, quýt, nho đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Phía Australia đã cung cấp đầy đủ quy trình quản lý, bảo vệ thực vật đối với các loại trái cây nói trên cho phía Việt Nam, trên cơ sở đó Việt Nam xem xét cho nhập khẩu trở lại.
Năm 2014 xuất khẩu rau quả từ Australia sang Việt Nam đạt khoảng 40 triệu USD, trong đó nho chiếm đến 32 triệu USD. Lượng trái cây Việt Nam nhập khẩu từ Australia chiếm khoảng 10-15% tổng lượng trái cây nhập khẩu của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Diện tích trồng dưa hấu ở Tân Trụ (Long An) tuy không lớn nhưng do nông dân trồng quanh năm nên áp lực sâu bệnh vẫn rất cao. Vì vậy, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu, bệnh rất phổ biến.

Dự án nằm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai từ nay đến 2020 nhằm phát triển vùng cây ăn quả tập trung, tạo ra hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Nhiều vườn thất bại Thời điểm này, nông dân trồng thanh long trong tỉnh Bình Thuận đang bước vào vụ chong đèn vụ nghịch 2015.

Mặc dù đầu tư một vài ha đất để chăn nuôi thủy sản hoặc gia súc, gia cầm, nhưng khi thực hiện các thủ tục vay vốn lại không được hưởng chính sách của Nhà nước ưu đãi cho trang trại.

Khí hậu miền Bắc trong vụ đông rất thích hợp với nhiều loại cây trồng. Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, bà con nông dân cần tập trung vào các loại cây trồng sau: