Xuất khẩu rau vào thị trường Nhật Bản: Khó nhất vẫn là chất lượng

Thâm nhập thị trường Nhật không dễ
Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thế mạnh khí hậu ôn đới đặc trưng, Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành vùng sản xuất nông nghiệp XK cho Nhật Bản. Theo nghiên cứu, đánh giá của Công ty Dream Incubator Nhật Bản (DI) qua Dự án “Hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp Lâm Đồng”, địa phương này có thể trở thành cụm sản xuất hàng đầu XK cho Nhật Bản, đặc biệt đối với hai nhóm sản phẩm chủ lực là rau và hoa.
Theo DI, Nhật Bản hiện là thị trường lớn nhất châu Á đối với các sản phẩm rau, củ đã qua chế biến (chiếm từ 66 - 70% lượng nhập khẩu của châu Á). Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng tăng thì sản xuất tại chỗ của nước này đang bị thu hẹp. Cùng với đó, các nước XK lớn cho Nhật Bản, tức các đối thủ của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như Trung Quốc (nước XK 53% rau, củ lớn nhất sang Nhật), gặp vấn đề an toàn thực phẩm. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đẩy mạnh XK, trở thành nguồn cung ổn định cho thị trường Nhật Bản.
Kỳ vọng và tiềm năng là vậy, nhưng theo ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - XK rau Lâm Đồng hiện đang vướng “3 điểm nghẽn”: Chi phí sản xuất cao, nguồn cung không ổn định và quy mô nhỏ, chất lượng chưa đạt chuẩn.
Đến thời điểm này, XK rau vào thị trường Nhật Bản khó nhất vẫn là vấn đề chất lượng. Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Đa Lat Gap - một trong những doanh nghiệp (DN) thành công tại thị trường Nhật Bản - chia sẻ, XK sang Nhật Bản, lợi thế là giá rau được nâng lên, nhưng đồng nghĩa với việc phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe, nếu làm được, khả năng mở rộng thị trường XK sẽ trong tầm tay, còn không tuân thủ quy định về chất lượng rủi ro là rất lớn.
Theo ông Cường, rau XK phải có chứng nhận Global GAP (Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế). Với sản phẩm chất lượng tốt, bắt buộc áp dụng công nghệ cao, đắt đỏ, nông dân khó có thể đáp ứng được, buộc phải có sự hỗ trợ của nhà nước.
Cần giải pháp đồng bộ
Để mở rộng XK rau vào thị trường Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, quan trọng là phải xây dựng mối liên kết giữa các DN XK và nông dân. Khi liên kết, nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận kỹ thuật sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, họ sẽ mạnh dạn sản xuất rau chất lượng cao khi biết sản phẩm làm ra được DN thu mua để XK.
Ông Đoàn Văn Việt khẳng định, Lâm Đồng sẽ tập trung trọng điểm vào hiện đại hóa chuỗi cung ứng rau, hiện đại hóa khâu sản xuất và phân phối, tăng quy mô sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhật Bản.
Ông Mutsuya Mori - Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam - cho hay, việc hình thành cụm sản xuất chuyên XK sang Nhật Bản là ý tưởng mới lần đầu tiên được đưa ra và áp dụng ở một quốc gia khác ngoài Nhật Bản. Các quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản sẽ được các DN Nhật đưa đến Đà Lạt và sẵn sàng chuyển giao để mở rộng sản xuất. Khu công nghiệp - nông nghiệp gồm vùng sản xuất chính khoảng 100 ha và khu vực sản xuất vệ tinh từ 200 - 250 ha có các chức năng sản xuất, chế biến sau thu hoạch, nhân giống, nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực… Ngoài ra, còn có Trung tâm sau thu hoạch rau quả khép kín các dây chuyền kiểm tra, phân loại, đóng gói và vận chuyển lạnh nguồn rau chất lượng cao cho XK.
3 năm qua, Lâm Đồng đã thu hút 67 DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng. Tỉnh đang phối hợp với JICA, VASS thực hiện Dự án “Hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm

Xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc - Hòa Bình) cách thị trấn Đà Bắc gần 10 km nằm chênh vênh trên lòng hồ. Xóm có 76 hộ, chủ yếu là người Dao sinh sống dựa vào trồng ngô, sắn, trồng rừng và đánh bắt thủy sản. Ngoài những nghề trên, việc phát triển chăn nuôi được bà con chú trọng bởi lợi thế gần rừng có nhiều nguồn thức ăn. Hầu hết các hộ trong xóm đều chăn nuôi từ 1 - 2 con đến hàng chục con lợn. Giống chủ yếu là lợn lai, lợn địa phương với hình thức bán chăn thả. Nhận thấy lợi thế, thời gian qua, Dự án AFAP đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng và lợn địa phương. Dự án đã đầu tư cho xóm 11 con lợn giống (9 con lợn địa phương và 2 con lợn rừng) cho 9 hộ chăn nuôi tiêu biểu của xóm.

Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12.000 ha lúa thiếu nước. Ngành NN- PTNT đang chỉ đạo các Cty thủy nông thực hiện việc bơm nước liên tục để cứu lúa.

Đi khắp vùng bãi dọc sông Lam huyện Hưng Nguyên, vùng đồi núi của Nam Đàn, hay những diện tích lạc vùng đất cát pha Nghi Lộc, tất cả là một màu vàng trắng do cháy của ngô, màu xanh héo rũ xơ xác của lạc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ cây màu vụ xuân của tỉnh Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt và thiệt hại nặng nề đến thế.

Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-7-2012. Theo đó, hàng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Khi tham gia vào mô hình này, các hộ nông dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê theo mô hình 4C, từ khâu trồng trọt đến khâu thu hái.