Xuất Khẩu Rau Quả Có Thể Đạt 1,4 Tỷ USD Năm 2014

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình mỗi tháng xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 120 triệu USD và với tốc độ tăng trưởng mạnh cao như hiện nay, xuất khẩu rau quả có thể mang về cho Việt Nam khoảng 1,4 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, chỉ qua 10 tháng ngành rau quả đã đạt kế hoạch mà Bộ Công Thương đặt ra cho cả năm nay với trị giá xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỷ USD. Năm 2013, xuất khẩu rau quả đạt mốc trên 1 tỷ USD trong khi năm 2012 đạt 827 triệu USD.
Tính đến hết quý III năm 2014, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vẫn là ba thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với 321,48 triệu USD, tăng 43,84% so với 9 tháng năm 2013, chiếm 27,71% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam, gồm các mặt hàng chủ yếu như xoài, vải, nhãn, chuối, thanh long, dừa và dứa.
Đứng thứ hai là Nhật Bản, chiếm 4,84% thị phần, với 56,26 triệu USD, tăng 21,36%. Hàn Quốc là nước đứng thứ ba về kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này, với 43,69 triệu USD, tăng 101,26%, chiếm 3,77% kim ngạch xuất khẩu.
Đáng lưu ý, về tăng trưởng kim ngạch, so với 9 tháng đầu năm, có 2 thị trường có sự tăng trưởng đột biến, cụ thể là Hồng Kông (tăng 170,40%; đạt 11,04 triệu USD), Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (tăng 129,71% với 9,12 triệu USD). Việc hầu hết các thị trường đều có sự tăng trưởng dương, cho thấy mặt hàng rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Theo Vinafruit, ngoài việc có thêm nhiều loại hàng trái cây tươi được Mỹ, Úc, Hàn Quốc chấp nhận vì đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, một yếu tố quan trọng góp phần tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng này là nhờ các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đầu tư vào chế biến sâu ở dạng sản phẩm đóng hộp đông lạnh.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/xuat-nhap-khau/72122/xuat-khau-rau-qua-co-the-dat-1-4-ty-usd-nam-2014.htm#.VGMKEY0cTDc
Có thể bạn quan tâm

So với cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn…thì trồng su su đạt hiệu quả gấp 6,7 lần. Đó là nhận định của bà con nông dân tại xóm Biệng, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Ngày 8/5, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra ở các xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh; xã Triệu An và Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, với diện tích nhiễm bệnh hơn 16 ha.

Năm qua, Bến Tre đã triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (TĐBHNN) tại 24 xã của 6 huyện, trong đó bảo hiểm đối với tôm biển 15 xã và bảo hiểm đối với cá tra 9 xã (Ba Tri 5 xã, Bình Đại 5 xã, Thạnh Phú 5 xã, Chợ Lách 3 xã, Giồng Trôm 3 xã, Châu Thành 3 xã).

Phúc Thuận là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), với gần 600ha. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, từ năm 2008 trở lại đây, người dân đã tập trung đưa các giống chè cành cho năng suất cao như: LDP1, TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... vào trồng thay thế giống chè trung du năng suất thấp.

Chính thức tiếp nhận công nghệ sản xuất nghêu giống từ Phân viện Nuôi trồng thủy sản 1 (Bắc Trung Bộ) năm 2010, đến nay, Trại Sản xuất giống thủy sản xã Thới Thuận (Bình Đại - Bến Tre), thuộc Trung tâm Giống Nông nghiệp Bến Tre, đã sản xuất thành công nhiều bể nghêu giống.