Xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2015 đạt 11,4 tỷ USD

Theo Bộ NN & PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5 ước đạt 2,37 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 5 tháng đầu năm lên 11,4 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,62 tỷ USD, giảm 7,4%. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,41 tỷ USD, giảm 17%.
Gạo và cà phê là hai mặt hàng có mức giảm mạnh nhất. Theo đó, đối với mặt hàng gạo, 5 tháng đầu năm 2015 khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 2,4 triệu tấn và 1,05 tỷ USD, giảm 11,4% về khối lượng và giảm 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2015 đạt 436,7 USD/tấn, giảm 4,27% so với cùng kỳ năm 2014. Bốn tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014, giảm 28,11% về khối lượng và giảm 31,06% về giá trị. Tuy nhiên đáng chú ý nhất là thị trường Bờ Biển Ngà có sự tăng đột biến trong 4 tháng đầu năm với 24,5% về lượng và 22,5% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Đối với mặt hàng cà phê, khối lượng xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm ước đạt 578 nghìn tấn với giá trị 1,2 tỷ USD, giảm 39,4% về khối lượng và 38% về giá trị so với cùng kỳ. Mặt hàng chè cũng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 5 tháng đầu năm với mức giảm 2,5% về khối lượng và giảm 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các mặt hàng nông sản, hạt điều là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cả về khối lượng và giá trị. Theo đó, 5 tháng đầu năm, khối lượng hạt điều xuất khẩu đạt 117 nghìn tấn với 828 triệu USD, tăng 14,4% về khối lượng và tăng 27,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 7.146 USD/tấn, tăng 14,09% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Cũng theo Bộ NN & PTNT, giá trị nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp 5 tháng đầu năm 2015 ước đạt 9,25 tỷ USD. Như vậy, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 2,15 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2010, được sự giới thiệu của người thân, anh Trần Văn Lộc (SN 1974, ở thôn 5, xã Hòa Thành, huyện Krông Bông - Dak Lak) lặn lội xuống miền Tây Nam Bộ học hỏi kinh nghiệm và mua 1.000 cây giống mít siêu sớm về trồng. Sau hơn 3 năm trồng thử nghiệm, đến nay vườn cây đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) thuộc Sở NN-PTNT đã xây dựng thành công nhiều mô hình (MH) thâm canh lúa nước ở vùng cao. Trung tâm đã tiếp tục triển khai các MH mới, song bằng giống lúa thuần chứ không phải lúa lai như các năm trước.

Nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình còn khá mới ở huyện Vân Canh. Những thành công bước đầu từ mô hình mở ra hướng phát triển đa dạng hóa vật nuôi, mang lại kinh tế cao cho người dân.

Bông lài dùng ướp trà, tạo hương vị thơm ngon hơn cho trà và được đông đảo “tín đồ trà” ưa thích. Mặc dù đây không phải là cây chủ lực trong thực hiện chuyển đổi cây trồng của địa phương nhưng chính cây bông lài cũng đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Trà Vinh.

Nhiều tiểu thương cho biết do mưa bão nên nông dân thu hoạch không đồng đều dẫn đến nguồn cung rau có lá không ổn định khiến thị trường bán lẻ tăng giá. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng rau củ Đà Lạt cũng bị thiếu hụt và ảnh hưởng giá vận chuyển có xu hướng tăng đã khiến thị trường rau củ tiếp tục tăng giá nhẹ.