Xuất Khẩu Gạo Tiếp Tục Gặp Khó

Xuất khẩu gạo chính thức của Việt Nam trong năm qua chỉ đạt 6,316 triệu tấn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu (XK) gạo năm 2014 đạt 6,316 triệu tấn, trị giá FOB 2,789 tỉ USD, trị giá CIF 2,931 tỉ USD, giá XK bình quân 441,62 USD/tấn. Theo đó, số lượng giảm 5,47%, trị giá FOB giảm 3,59%, trị giá CIF giảm 2,91%, giá bình quân tăng 8,55 USD/tấn so với năm 2013.
Trong đó gạo cao cấp XK là 1,331 triệu tấn chiếm 21,08%, gạo cấp trung bình là 2,013 triệu tấn chiếm 31,87%, gạo cấp thấp là 732.000 tấn chiếm 11,58%, gạo thơm các loại là 1,302 triệu tấn chiếm 20,62%, nếp là 637.000 tấn chiếm 10,09%. Theo đó, hợp đồng tập trung 2 triệu tấn (chiếm 31,67%), hợp đồng thương mại 4,316 triệu tấn (chiếm 68,33%).
Châu Á chiếm áp đảo
Thị trường gạo XK gạo khu vực châu Á là 4,784 triệu tấn (chiếm 75,75%), châu Phi 800.000 tấn (chiếm 12,68%), châu Mỹ 479.000 tấn (chiếm 7,58%), châu Âu 95.000 tấn (chiếm 1,50%), Trung Đông là 80.000 tấn (chiếm 1,27%), châu Úc 76.000 tấn (chiếm 1,21%). Các thị trường nhập khẩu số lượng lớn là Trung Quốc, Philippines, châu Phi, Malaysia, Indonesia, Cuba và Hồng Kông.
So với năm 2013, số lượng XK giảm 5,47%, trị giá FOB giảm 3,59%. XK trong năm qua giảm do thị trường châu Phi giảm mạnh, thiếu sự cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ.
Châu Á vẫn là khu vực thị trường lớn nhất, chiếm tỉ trọng đến 75,75%, tăng 19,05% so với năm trước, chủ yếu do XK vào Philippines tăng vượt cao đến 179,08%, và Indonesia cũng tăng mạnh đến 112,34%, trong khi Trung Quốc giảm nhẹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam trong 3 năm qua và chiếm 33,63% trong năm 2014, chưa kể XK qua biên giới không đăng ký. Trong khi thị trường châu Phi giảm mạnh đến 57,22%.
Thị trường châu Mỹ tăng 4,57% do tăng từ các thị trường mới như Mỹ, Mexico, Haiti, Chile. Trong khu vực này, Mỹ là thị trường lớn nhất nhưng bị hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực phẩm. Thị trường châu Âu giảm đến 56,28%, do gạo Việt Nam vào thị trường này phải đóng thuế cao, không cạnh tranh được với các nước được hưởng thuế ưu đãi phổ cập (GSP) và các nước được cấp hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế thấp hơn.
Theo số liệu thống kê của VFA, XK qua biên giới Trung Quốc có đăng ký hợp đồng khoảng 650.000 tấn nhưng trên thực tế số lượng gạo chuyển từ đồng bằng sông Cửu Long ra Bắc qua cảng Hải Phòng lớn hơn nhiều, khoảng 2 triệu tấn và chủ yếu là để XK qua biên giới.
Dự báo
Dự báo năm 2015, sản lượng lương thực toàn cầu giảm 0,4% nhưng tiêu thụ tăng 0,6% và tiêu thụ cao hơn sản lượng 7,7 triệu tấn, nên tồn kho giảm tương ứng, trong khi thương mại gạo không thay đổi ở mức 41,9 triệu tấn. FAO dự báo sản lượng cũng giảm 0,4% nhưng tiêu thụ tăng đến 1,7%, theo đó tiêu thụ cao hơn sản lượng 4 triệu tấn và mức tồn kho cũng giảm tương ứng, trong khi thương mại gạo dự báo tăng nhẹ ở mức 40,5 triệu tấn.
Thái Lan được dự báo tiếp tục XK đứng đầu với số lượng kỷ lục 11 triệu tấn, trên cơ sở bán tồn kho với giá cạnh tranh và mở rộng thị phần thông qua các hợp đồng chính phủ với Iraq, Iran, Trung Quốc, Philippines và Indonesia. Dự báo Thái Lan sản xuất vụ hai sẽ giảm 30%-40%, do thiếu nước và lượng gạo tồn kho đủ tiêu chuẩn XK chỉ khoảng 10%, còn lại 70% là gạo kém chất lượng và 20% hư hỏng. Hạn hán cũng tác động đến sản lượng gạo Ấn Độ, nên lượng gạo Ấn Độ chỉ đạt 102 triệu tấn, giảm 4% so với 106,29 triệu tấn so với niên vụ trước. XK của Ấn Độ sẽ giảm còn 8 triệu tấn.
Trung Quốc dự báo nhập khẩu năm nay tăng 0,3 triệu tấn lên mức 4 triệu tấn. Dự báo Philippines nhập khẩu 1,7 triệu tấn, Malaysia 1,1 triệu tấn và Indonesia 1,3 triệu tấn. Khu vực châu Phi nhập khẩu trên 10 triệu tấn, Nigeria nhập 3,5 triệu tấn.
Các thị trường XK gạo chính của Việt Nam như Trung Quốc sẽ kiểm soát biên giới, ảnh hưởng đến tiêu thụ gạo của Việt Nam. Nhu cầu từ các thị trường Đông Nam Á dự kiến không thay đổi, khoảng 4 triệu tấn nhưng sẽ chịu cạnh tranh từ Thái Lan. Mexico là thị trường có tiềm năng nhưng từ đầu năm nước này đánh thuế nhập khẩu gạo 20% và lúa 9%.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm cải thiện môi trường, nhất là môi trường các ao, đầm nuôi tôm bị dịch bệnh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh đã triển khai áp dụng mô hình chuyển đổi nuôi một số loài cá biển trong ao. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Thời gian gần đây, mô hình nuôi cừu lấy thịt đã được nhiều hộ dân trong tỉnh Đắk Lắk quan tâm và đạt được những thành công, bước đầu đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh vừa trao giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm măng cụt và sản phẩm quýt đường cho 2 Hợp tác xã trái cây trên địa bàn. Đó là Hợp tác xã măng cụt Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè và Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, huyện Càng Long.

Sơn cho biết, những gì mình có được ngày hôm nay là kết quả của niềm đam mê, tâm huyết lẫn tri thức, sức lực. Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thôn Đông Gia (Đại Minh, Đại Lộc), Sơn cũng như bao thanh niên khác từng mơ ước được vào giảng đường để có thể đổi đời.

Từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều đầm, bãi nuôi ngao giống và thương phẩm ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Theo các ngư dân, chưa có năm nào ngao chết nhiều như năm nay.