Xuất khẩu cà phê hòa tan tăng nhanh

Năm nay, cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực bị sụt giảm mạnh nhất cả về lượng lẫn giá trị XK. Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 7, nước ta đã XK 786.493 tấn cà phê, trị giá 1,62 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê đã XK giảm tới 34,3% và giá trị giảm 34,2%.
Trong bối cảnh XK cà phê nói chung đang gặp khó khăn, XK cà phê hòa tan lại đang tăng trưởng rất ấn tượng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 5 trong số những nước XK cà phê hòa tan lớn trên thế giới, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Thị phần của cà phê hòa tan Việt Nam trên thị trường cà phê hòa tan thế giới cũng đã tăng mạnh trong 5 năm qua, từ 1,8% lên 9,1%. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã XK khoảng 572.000 bao cà phê hòa tan (mỗi bao 60 kg), tương ứng với 34.000 tấn cà phê hòa tan.
Đây là lượng cà phê hòa tan được Việt Nam XK nhiều nhất trong 5 năm qua. Cà phê hòa tan Việt Nam được XK nhiều nhất sang EU với 94.698 bao, tiếp đó là Nhật Bản 72.743 bao, Mỹ 68.892 bao, Nga 58.472 bao, Philippines 57.764 bao, Đài Loan 31.955 bao, Trung Quốc 29.300 bao, Thái Lan 28.799 bao ...
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo trong niên vụ 2014/2015, Việt Nam có thể XK được 1,3 triệu bao cà phê hòa tan (78.000 tấn), tăng tới 44% so với niên vụ trước.
Sở dĩ XK cà phê hòa tan của Việt Nam tăng trưởng mạnh là nhờ vào vị thế nước sản xuất cà phê Robusta (thường được dùng để làm cà phê hòa tan) lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó là sự tham gia mạnh mẽ của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài. Như Nestlé đã đưa nhà máy chế biến cà phê trị giá 80 triệu USD vào hoạt động ở tỉnh Đồng Nai. Ngoài XK cà phê nhân đã qua chế biến, Nestlé cũng đang đẩy mạnh sản xuất cà phê hòa tan để phục vụ trong nước và XK …
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nước ta có 19 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với công suất 75.280 tấn sản phẩm/năm. Phần lớn sản lượng cà phê hòa tan của Việt Nam được XK ra nước ngoài.
Còn theo dự báo của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, thị trường cà phê hòa tan thế giới đã tăng trưởng mạnh trong những năm qua và sẽ còn tăng trưởng tốt trong nhiều năm tới. Hiện cà phê hòa tan đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và dự báo sẽ tăng trưởng 3%/năm trong vòng 5 năm tới.
Chính vì vậy, định hướng phát triển chế biến cà phê của Bộ NN-PTNT cũng tập trung nhiều vào cà phê hòa tan. Theo Cục Chế biến Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối, từ nay đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030, về chế biến cà phê, Bộ NN-PTNT không chủ trương xây dựng thêm các nhà máy chế biến cà phê mà tập trung mạnh vào đổi mới công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh thay đổi cơ cấu mặt hàng cà phê chế biến theo hướng tăng sản phẩm chế biến sâu. Mục tiêu là đến năm 2020, có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng (cà phê rang xay, cà phê hòa tan).
Cụ thể: Sản lượng cà phê rang xay là 50.000 tấn/năm, cà phê hòa tan 255.000 tấn/năm (20% là cà phê hòa tan nguyên chất). Đến năm 2030, sản lượng cà phê hòa tan sẽ tăng lên 350.000 tấn/năm, còn cà phê rang xay vẫn giữ như năm 2020. Sở dĩ như vậy là vì cà phê hòa tan được định hướng phát triển mạnh để phục vụ XK và một phần đáp ứng tiêu dùng nội địa, còn cà phê rang xay chủ yếu cho tiêu dùng nội địa.
Có thể bạn quan tâm

Người nuôi tôm khu vực vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành phấn khởi khi được biết kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VIII sắp diễn ra sẽ thông qua tờ trình về chính sách hỗ trợ đầu tư ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Long An. Nếu chính sách hỗ trợ này được chấp thuận sẽ giúp người nuôi tôm có thêm điều kiện ổn định sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình.

Còn các dự án hoặc đầu tư mua sắm, lắp đặt dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy thiết bị sản xuất nông nghiệp, Nhà nước sẽ cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Thời gian qua, việc bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến tổn thất thủy sản khai thác sau thu hoạch còn nhiều.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng cá nước lạnh toàn huyện đạt 195 tấn, bên cạnh đó, lượng cá đến kỳ thu hoạch ở các cơ sở vẫn còn khoảng 20 tấn. Như vậy, ước tính tổng sản lượng cá nước lạnh cả năm sẽ đạt hơn 200 tấn.

Nhằm thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên diện tích đất vườn đồi tại các xã miền núi huyện Quỳnh Lưu, mấy năm trở lại đây, bà con nông dân đã chủ động đưa vào trồng cây nguyên liệu hương bài. Đây được coi là cây trồng phù hợp loại đất đồi cao, khó khăn về nguồn nước, dễ trồng, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao.