Xử Lý Sầu Riêng Nghịch Vụ Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang chuyên canh sầu riêng, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân Hàng Văn Phúc (sinh năm 1955), ở ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng đang bắt đầu cho trái sai, ông Phúc vui mừng kể lại, cả gia đình 2 thế hệ sống trong căn nhà lá xập xệ, kinh tế chủ yếu trông chờ vào 5.000m2 đất trồng mía, năng suất hàng năm khá ổn định, nhưng giá cả lại bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Sau đó, ông Phúc nuôi heo sinh sản, đã gầy dựng được trên 10 con. Gần chục năm, gia đình ông Phúc mua thêm được 15 công đất.
Ông Phúc tham quan các mô hình vườn cây ăn trái của nhiều người xung quanh và chuyển sang chuyên canh sầu riêng Mongthon. Lúc sầu riêng còn nhỏ, ông áp dụng phương châm lấy ngắn nuôi dài, tận dụng phần đất trống để trồng xen chanh bông tím. Tính từ năm 2013 trở về trước, hàng năm gia đình thu hoạch trên 30 tấn chanh, giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Để có kinh nghiệm trong trồng sầu riêng, ông Phúc thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, do Hội Nông dân tổ chức, kết hợp với tinh thần chịu khó học hỏi kinh nghiệm trên báo, đài và các nhà vườn đi trước, nhờ vậy mà vườn sầu riêng luôn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh. Đến thời điểm cây bắt đầu cho trái, để tránh cảnh dội hàng rớt giá, ông Phúc áp dụng khoa học - kỹ thuật để xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ.
Khoảng tháng 3 tháng 4 âm lịch, ông làm cỏ vườn, xiết nước trong mương, dùng màn nylon phủ kín gốc tạo độ hạn, kết hợp với qui trình chăm bón đúng cách để kích thích cây ra hoa. Với cách làm này hiện sầu riêng của ông cho trái rất sai, khoảng tháng 8 tháng 9 âm lịch là có thể cho thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 15 tấn, áp dụng giá bán như hiện nay là 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu lợi nhuận trên 250 triệu đồng/năm.
Ông Hàng Văn Phúc chia sẻ: "Bên cạnh sự thành công hôm nay là một quá trình phấn đấu để vượt qua khó thử thách mà động lực duy nhất đó là sự đồng lòng và ủng hộ nhiệt tình của gia đình tôi, giờ đây không chỉ ổn định cuộc sống mà tình cảm gia đình càng gắn chặt hơn".
Ngoài mô hình trồng sầu riêng xen với chanh bông tím, ông Phúc còn làm thêm lò để quay heo, kiếm thêm thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Đến nay, gia đình ông Phúc cất được nhà ở khang trang, các con ăn học đến nơi đến chốn, nhiều năm liền ông được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
Ông Đoàn Văn Toản, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn nhận xét: "Anh Hàng Văn Phúc là điển hình lao động giỏi, rất cần cù, chí thú làm ăn và giờ đã vươn lên ổn định cuộc sống. Gia đình anh luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Phúc hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 1, trong công tác ông hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài ra ông còn vận động bà con tích cực tham gia đóng góp vào các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Ghé thăm ngôi nhà 3 tầng mới xây trị giá 1,4 tỷ đồng ở bản Nong Nưa, được chủ nhà Lèo Văn Hặc, Bí thư chi bộ bản tiếp chuyện: Nhà có hơn 4 ha cây cà phê đang thời kỳ thu hoạch, năng suất 15 tấn/ha. Vụ vừa qua, gia đình đã thu được trên 60 tấn quả tươi, bán được hơn 700 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng lãi được hơn 400 triệu đồng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, trong khuôn khổ Dự án phát triển ca cao giai đoạn 2010 - 2014, tỉnh đã trồng thêm được 1.100 ha ca cao xen canh dưới tán vườn cây ăn trái, nâng tổng diện tích lên đến 2.400 ha; phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích ca cao lên 5.000 ha.

Thời điểm này, nông dân đang thu hoạch, năng suất trung bình hơn 16 tấn/ha. Cơ quan chuyên môn huyện khuyến cáo nông dân tích cực đưa giống khoai tây này sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR) - nhà máy đặt tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ - cho biết: Nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định, thời gian qua, BDSTAR đã khảo nghiệm các giống mì mới với diện tích 150 ha trên địa bàn xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), hai xã Bình Tân và Bình Thuận (huyện Tây Sơn).

Nhờ xuống giống đồng loạt và thường xuyên thăm đồng nên trên diện tích này thiệt hại do rầy nâu và sâu bệnh khác gây ra không đáng kể. Với trà lúa trên, nhiều nông dân địa phương cho biết nếu từ đây đến thu hoạch không xảy ra thiên tai, sâu bệnh bất thường thì năng suất bình quân không dưới 7,5 tấn/ha, kể cả giống lúa Jasmine 85.