Xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo

Người bán, người mua đều “mù mờ”
Như mọi ngày, chị Nguyễn Hải Quỳnh ở phường An Thạnh, TX.Thuận An vẫn thường đi chợ mua thịt heo dùng cho cả gia đình. Thông tin một số trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo khiến chị rất băn khoăn khi đi chợ. Chị Quỳnh cho biết, thật khó mà phân biệt thịt heo nào có sử dụng chất cấm, vì miếng thịt nào trông cũng ngon và giống hệt nhau. Để bảo vệ sức khỏe gia đình, chị đã phải mua cá và thịt gà thay thế món thịt heo quen thuộc.
Chị Trần Thị Thơm, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Búng (TX.Thuận An) thừa nhận không thể nhìn ra miếng thịt nào có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi heo. Chị cho biết, tâm lý người tiêu dùng thường chọn miếng thịt nhiều nạc, nay nghe thông tin phản ánh thịt heo nhiều nạc có khả năng sử dụng chất cấm nên người mua cũng cẩn trọng hơn. Với gần 10 năm kinh nghiệm bán thịt heo của mình, chị cũng không thể phân biệt thịt dùng chất cấm và thịt bình thường bằng mắt thường.
Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có đàn heo hơn 450.000 con, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho người dân và còn cung cấp cho thị trường phía Nam. Do vậy, khả năng nguồn thịt heo từ tỉnh Đồng Nai về thị trường Bình Dương là rất ít. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, nếu thấy miếng thịt heo nạc nhiều da mỏng và ít mỡ bất thường thì nên cân nhắc khi quyết định mua, vì nhiều khả năng đây là miếng thịt có thành phần chất cấm trong chăn nuôi.
Hiện nay, trên địa bàn Bình Dương có 32 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Qua kiểm tra cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp sai phạm nào trong việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại 552 trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng chưa phát hiện trường hợp sai phạm nào về sử dụng chất cấm.
Cần quản lý chặt
Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi gồm Salbutamol, Ractopamine và Clenbutrerol… có khả năng gây ảnh hưởng đến tim mạch của người tiêu dùng khi sử dụng trong thời gian dài. Trong đó, chất Salbutamol được sử dụng phổ biến nhất, các chất này có tác dụng điều trị bệnh khi vật nuôi bị bệnh ho, hen suyễn. Tuy nhiên, các chất này còn có tác dụng làm tan mỡ vật nuôi, gây chứng nghiện ngủ, ăn nhiều, tăng trọng nhanh, nâng cao tỷ lệ nạc cho heo nên có người sử dụng nó trong chăn nuôi nhằm giảm chi phí tiền thức ăn.
Tháng 7 vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 35 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phát hiện 2 trường hợp sử dụng chất Salbutamol tại phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên và phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một. Theo Chi cục Thú y tỉnh, 2 trường hợp này đã được cơ quan chức năng tiến hành thống kê số lượng, cấm xuất bán để kiểm tra nước tiểu của heo đến khi heo không còn phản ứng dương tính với các chất cấm mới được đưa đi tiêu thụ.
Theo các ngành chức năng, hiện nay rất khó quản lý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi hiện tại nguồn chất cấm đa số xuất phát từ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Giá bán các chất cấm này tương đối rẻ, sử dụng nó có thể giảm chi phí tiền thức ăn từ 2 - 3 lần nên nhiều người dù biết cấm nhưng vẫn sử dụng. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại nằm rải rác tại các huyện, thị nên công tác kiểm tra, giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, thời gian gần đây, tại Bình Dương cũng rộ lên tình trạng nhiều cá nhân ngoài tỉnh tìm về thuê đất, xây chuồng nuôi heo. Các trường hợp khi bị xử lý vi phạm thường chuyển sang địa phương khác nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý và giám sát của cơ quan chức năng.
Ông Trần Phú Cường chia sẻ, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều khi xử phạt thì họ không đủ tiền đóng phạt. Để bảo vệ sức khỏe ngươi tiêu dùng, chỉ có cách “niêm phong”, tạm thời cấm xuất chuồng… trong vòng 7 ngày cho ăn với quy trình sạch để loại bỏ hết các chất cấm nguy hại sức khỏe người tiêu dùng thì mới được bán ra thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Để giúp các DN SXKD trong nước từng bước chiếm lĩnh thị trường nông thôn, đồng thời để bà con các địa phương có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ, năm 2011, Sở Công thương Nghệ An đã tổ chức cho các DN triển khai chiến dịch đưa hàng Việt về các huyện.

Liên tổ SX RAT Tân Phú Trung hiện có 5 tổ hợp tác với khoảng 100 xã viên, bao gồm: tổ SX ấp Đình, tổ ấp Xóm Đồng, tổ ấp Bến Đò, tổ ấp Giòng Sao, và tổ ấp Cây Da. Tổng diện tích canh tác 60ha, trong đó 50ha trồng các loại rau ăn quả như: bầu, bí, dưa leo, khổ qua, đậu bắp… và 10ha trồng các các loại rau ăn lá như: rau muống, rau mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải ngọt…

Là lĩnh vực luôn có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, song việc đầu tư nguồn lực của Nhà nước cũng như doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng. Làm thế nào để khu vực này thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý

Ở vùng Đồng Tháp Mười trước đây, trăn là loài khá phổ biến. Những cánh đồng lau, lác, những rừng tràm mênh mông và nguồn thức ăn phong phú ở đây là môi trường thuận lợi để trăn sinh sống.

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam - KHCN) vừa cấp chứng nhận và bảo hộ “Chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận”.