Xử Lý Đáy Ao Nuôi Thủy Sản Bằng Chế Phẩm BIOF Nâng Cao Hiệu Quả Nuôi Cá

Trước thực trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều hộ dân đã học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cải tạo đáy ao...
Hiệu quả bước đầu
HTX Thủy sản sạch chất lượng cao Xuân Nẻo ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) được thành lập năm 2006, có 45 xã viên, với diện tích 53 ha. Trước đây, xã viên của HTX thường nuôi các loại cá truyền thống như trôi, trắm, mè theo phương pháp thủ công nên chất lượng cá không cao. Ao nuôi bị ô nhiễm do không được thay nước thường xuyên, cá bị chết, ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều hộ.
Ông Phạm Văn Phục, Chủ nhiệm HTX Thủy sản sạch chất lượng cao Xuân Nẻo cho biết: “Năm 2012, HTX thử nghiệm sử dụng chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF) ở 9 ha. Nhờ đó, đáy ao không còn tảo độc, nước sạch hơn, cá không bị chết, phát triển tốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí thức ăn. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, năm nay, HTX sử dụng chế phẩm BIOF thêm ở 37 ha”.
Tính ra mỗi năm, HTX chi hơn 312 triệu đồng/ha để mua thức ăn, thuốc phòng bệnh, xử lý môi trường, cải tạo ao, dầu bơm nước… giảm 11 triệu đồng/ha so với diện tích nuôi cá không sử dụng chế phẩm BIOF; năng suất mỗi ha đạt 13 - 14 tấn cá, thu hơn 400 triệu đồng/ha, cao hơn 25 triệu đồng/ha. Nước ao hiện nay có màu xanh nõn chuối, nhiều tảo, cá phát triển tốt. Do đó, HTX cũng đã nuôi thêm nhiều loại cá chất lượng như diêu hồng, rô phi đơn tính...
Bà Nguyễn Thị Đậu ở thôn Phí Xá, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) có 2 mẫu ao nuôi cá rô phi và cá truyền thống. Trước đây, bà Đậu thường rắc phân tươi trực tiếp xuống ao. Mặc dù phân tươi cung cấp nguồn hữu cơ cho cá nhưng cũng mang mầm bệnh và nhiều độc tố, ảnh hưởng đến môi trường sống của cá.
Từ đầu năm nay, được HTX Dịch vụ nông nghiệp xã giới thiệu ứng dụng chế phẩm BIOF xử lý đáy ao nuôi thủy sản, bà Đậu làm đúng theo quy trình, phân chuồng phơi khô ủ với vôi bột, trộn đạm và lân Lâm Thao, sau đó cấy vi sinh vật hữu ích, ủ trong vòng 1 tháng.
Đến khi thu hoạch cá xong, phơi đáy ao cho khô, sau đó rắc 3 lần chế phẩm này xuống đáy. Bước đầu cho thấy cá trong ao phát triển tốt. Bà Đậu cho biết: “Cán bộ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ) thường xuyên về kiểm tra tiến độ ủ chế phẩm”.
Cần tăng cường chuyển giao công nghệ
Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm xử lý đáy ao nuôi thủy sản (BIOF) tại tỉnh Hải Dương” được thực hiện trong 2 năm 2012 - 2013, thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015”. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có 141 hộ nuôi thủy sản ở 10 huyện, thị xã, gồm: Ninh Giang, Thanh Miện, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Gia Lộc, Nam Sách, Bình Giang và Chí Linh sử dụng chế phẩm sinh học BIOF. Năm 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mua giống vi sinh vật tại Công ty CP Công nghệ sinh học cung cấp cho các hộ.
Đầu năm 2013, trung tâm tiếp nhận công nghệ sinh học sản xuất giống vi sinh vật hữu ích, phục vụ sản xuất chế phẩm BIOF cho các hộ nuôi thủy sản trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay, trung tâm sản xuất được 2,1 tấn vi sinh vật hữu ích, đã cấp hết cho các hộ để ủ thành chế phẩm BIOF.
Trung tâm hỗ trợ 100% giống vi sinh vật, lân, đạm và tập huấn cho nông dân. Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật Vũ Văn Tân cho biết: “Sử dụng chế phẩm BIOF để xử lý đáy ao nuôi thủy sản đã giúp cho môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là không có tình trạng cá chết như trước đây. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục sản xuất vi sinh vật hữu ích phục vụ nhu cầu của nông dân”.
BIOF được tạo ra từ các chủng vi sinh vật hữu ích ủ với phân chuồng, lân, đạm và vôi bột; là chế phẩm sinh học dùng để xử lý đáy ao nuôi thủy sản. Trong quá trình ủ, vi sinh vật có tác dụng khử mùi phân chuồng, khi rắc xuống ao sẽ sinh sản sinh vật hữu ích làm thức ăn cho cá.
Xử lý đáy ao nuôi bằng chế phẩm BIOF giúp cho ao nuôi luôn sạch, tạo nguồn thức ăn tự nhiên, nâng cao chất lượng thủy sản và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Theo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam bộ, thời gian qua, tình trạng các bè cá đóng trái phép trên tuyến luồng hàng hải sông Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày càng có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này tập trung nhiều ở khu vực từ phao báo hiệu hàng hải số 18 đến khu vực phao báo hiệu hàng hải số 20.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang tiếp tục hoàn thành các hạng mục của Dự án trang trại 1.600 con bò sữa tại xã Tu Tra, Đơn Dương (Lâm Đồng), dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2015. Với tổng diện tích hơn 49,3ha, trang trại được quy hoạch trồng cỏ trên 40ha; còn lại gồm diện tích đất chuyên dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp khác.

Được đánh giá là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cao, hồ tiêu đang dần chinh phục ngưỡng kim ngạch xuất khẩu đạt con số 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, để hạt tiêu nhỏ bé ngày càng tăng kim ngạch xuất khẩu thì rất cần một chiến lược dài hạn nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này.

Thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina (Hoàng Long Vina) đồng hành cùng chương trình thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, góp phần nâng cao năng suất lúa, mía, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Sáng 15/8, Ban quản lý Các dự án nông nghiệp (Sở NN-PTNT) phối hợp với UBND xã An Chấn (huyện Tuy An) tổ chức lễ công bố và ký kết thỏa thuận hỗ trợ thực hiện kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Chấn (thí điểm) thuộc dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững.