Xoài VietGAP hướng đi mới của Tổ hợp tác xoài Tân Thuận Tây (Đồng Tháp)
THT xoài xã Tân Thuận Tây thành lập ngày 26/3/2013 có 75 thành viên, diện tích gần 45ha. Trong quá trình thành lập, tổ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những thành viên có đủ điều kiện tham gia. Khó khăn ban đầu đối với đơn vị là diện tích xoài của từng hộ dân còn nhỏ lẻ, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế.
Với sự nỗ lực của các thành viên, THT, vừa được chứng nhận VietGAP. Ưu điểm của mô hình là giúp người nông dân tiếp nhận quy trình sản xuất mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, năng suất ổn định, giá bán cao, thuận lợi trong liên kết tiêu thụ. Đa số thành viên trong THT đều đã nhận thức, nếu theo quy trình sản xuất truyền thống, sản phẩm sẽ bị phụ thuộc lớn vào thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, mẫu mã, khó cạnh tranh giá thành đầu tư lại tăng do phải phun xịt thuốc nhiều lần để trừ sâu bệnh.
Còn đối với quy trình sản xuất an toàn, bắt buộc phải tuân thủ các quy định như có nhà vệ sinh trong vườn, nơi lưu trữ phân thuốc, tránh phun xịt vào những ngày gần thu hoạch nhằm hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, nhưng chính những yếu tố này tạo nên giá trị mới cho nông sản.
Theo tính toán của các nhà vườn, dù năng suất giữa sản xuất truyền thống và VietGAP bằng nhau, mỗi hecta cho khoảng 1 tấn trái, song sản phẩm sản xuất theo VietGAP lại đạt chất lượng cao, giá cao hơn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với sản xuất truyền thống. Với giá chệnh lệch trên, mỗi hecta lợi nhuận tăng thêm khá lớn.
Ông Lê Thành Nhân, Tổ trưởng THT xoài xã Tân Thuân Tây nhận định, việc sản xuất xoài theo hướng an toàn mở ra nhiều hướng đi cho sản phẩm địa phương, từng bước chinh phục người tiêu dùng khó tính. Qua đó, còn là cầu nối trong liên kết tiêu thụ thuận lợi, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống của mình.
Cũng thông qua việc đơn vị vừa được công nhận xoài đạt chuẩn VietGAP, nhiều công ty đã ngỏ ý đến thực hiện liên kết tiêu thụ với số lượng lớn cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Nếu như hợp đồng được thực hiện, bán với giá “chết” sẽ giảm thiểu được tình trạng trúng mùa mất giá.
“Tuy nhiên, do chưa vào giai đoạn mùa vụ nên hiện tại chúng tôi chưa ký hợp đồng với một doanh nghiệp nào. Và, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp sẽ là định hướng cần thiết mà mỗi nhà vườn mong đợi. Để đáp ứng nhu cầu liên kết thuận lợi, THT chuẩn bị những phần việc còn lại đề chuẩn bị thành lập hợp tác xã (HTX)” - ông Nhân chia sẻ.
Những bước đi của THT thời gian qua đúng với định hướng chung của thành phố và của tỉnh. Theo kế hoạch của UBND TP.Cao Lãnh năm 2015, trong phát triển nông nghiệp là xây dựng mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại để giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người nông dân; phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua tỉnh đã định hướng xây dựng 16 HTX tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh. Năm 2015, tỉnh đặt mục tiêu phát triển 2 THT (xoài VietGAP ở xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh và rau sạch Lấp Vò) lên thành HTX và cùng 14 HTX xây dựng thành công thương hiệu nông sản đặc thù, phát triển thành HTX tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản. Theo đó, tất cả HTX này sẽ ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ...
Có thể bạn quan tâm

Đến thăm khu chăn nuôi tập chung tại thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương với tổng diện tích 36,5ha đồi, một trong những khu chăn nuôi tập chung lớn của tỉnh nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ nơi đây, các chủ trang trại đã có nhiều sáng tạo để cải tiến phương pháp chăn nuôi, trong đó phải nói đến “biện pháp chống nắng nóng cho chuồng nuôi bằng cây sắn dây” của ông Nguyễn Bác Ái.

Vừa qua, UBND huyện Yên Thế đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi giống gà thịt Ri lai (J.DaBaCo) do Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco cung ứng đợt I tại các xã Đồng Tâm, Tam Tiến, Tiến Thắng.

Hơn 10 năm trước, bà con nơi đây cấy lúa trên những chân đất với năng suất rất thấp, có những năm còn mất trắng nên đã cùng nhau chuyển đổi sang trồng kim tiền thảo. Anh Vũ Văn Mến, thôn Dùm cho biết: "Thấy cây kim tiền thảo mọc ở các bờ rào, bụi rậm, biết là cây thuốc, chúng tôi nhổ về trồng rồi tự nhân giống ở vườn nhà. Sau một vài vụ cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mở rộng diện tích”. Ban đầu anh Mến trồng 3 sào, chăm sóc cẩn thận, sau hơn 3 tháng mỗi sào cho thu hoạch 7-8 tạ cây tươi, phơi khô còn 3 tạ, anh phải lặn lội sang tỉnh bạn tìm thương lái để bán.

Với ưu điểm nổi bật là ra được quả vào thời điểm trái vụ, năng suất cao, ổi lai lê Đài Loan trái vụ được trồng tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang khẳng định là giống cây ăn quả mới, cho hiệu quả kinh tế cao và có khả năng phát triển tốt tại địa phương.

Việt Yên (Bắc Giang) là huyện có nhiều đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Đất sản xuất bị thu hẹp, để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, 6 xã điểm đã tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng.