Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xoài Khánh Hòa, niềm vui không trọn

Xoài Khánh Hòa, niềm vui không trọn
Ngày đăng: 22/05/2015

Xoài canh nông mất mùa kép

Nếu như huyện Cam Lâm là "thủ phủ xoài" của Khánh Hòa, thì xã Cam Hải Tây là vùng trọng điểm xoài của huyện, với diện tích lên đến gần 1.000ha. Những ngày này, nông dân đã bước vào vụ thu hoạch xoài được nửa chặng đường, song hầu hết các nhà vườn đều buồn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Bãi Giếng 1, một người trồng xoài có thâm niên cho biết: “Nếu như vụ xoài năm ngoái nhà vườn lao đao vì xoài mất mùa do bọ trĩ gây hại, thì năm nay lại mất mùa do nắng hạn. Nhìn các vườn xoài đậu trái lơ thơ, nhỏ như quả trứng gà, các nhà vườn ngán ngẩm chẳng ai muốn thu hoạch”.

Để chứng minh, ông Tuấn dẫn chúng tôi ra thăm vườn xoài trồng bằng giống canh nông của nhà mình rộng khoảng 1 ha, trong đó có nhiều cây hàng chục năm tuổi, nhưng lượng trái chẳng đáng là bao. 

Ông Tuấn than vãn: “Đã mất mùa, giá lại cực thấp, hiện chỉ dao động từ 1.000-2.000đ/kg, thậm chí các vựa xoài chẳng thèm thu mua. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, cả vườn này chưa bán được đồng nào. Có thu hoạch cũng chẳng bõ bèn gì nên gia đình tôi bỏ mặc trái treo lủng lẳng trên cây”.

Rời vườn nhà ông Tuấn, chúng tôi tiếp tục sang vườn xoài nhà ông Nguyễn Minh Quốc, người cùng thôn, thực trạng cũng vậy. Gặp chúng tôi, ông Quốc cho biết: “Đầu vụ, xoài canh nông loại đẹp có giá từ 5.000-6.000đ/kg, nhưng lượng các nhà vườn có không nhiều.

Như vườn nhà tôi có 20 gốc, tương đương hơn 1 mẫu, thu được gần 1,5 tấn trái (thấp hơn nhiều so với mọi năm), trong đó xoài đẹp chỉ được hơn 2 tạ, còn lại chỉ tận dụng làm bánh xoài. Vụ này tính ra, gia đình tôi lỗ tiền đầu tư phân, thuốc BVTV”.

Ông Đoàn Ngọc Phước, Phó Chủ tịch xã Cam Hải Tây cho biết, trong số gần 1.000 ha, thì khoảng 2/3 diện tích xoài của địa phương là giống xoài canh nông. Do nắng hạn nên vụ xoài năm nay nông dân lại mất mùa, năng suất chỉ đạt từ 1-1,5 tấn/ha (thấp nhiều so với mọi năm). Đây cũng là tình trạng chung của các vườn xoài canh nông ở các xã lân cận.

Xoài Úc vẫn kiếm bộn tiền

Ngược với xoài canh nông, xoài Úc năm nay dù cũng chịu tác động của hạn hán khiến năng suất giảm, chỉ còn 5-6 tấn/ha, song nhờ giá xoài thu mua ổn định, hút hàng, nên các vườn vẫn có thu nhập cao.

“Hiện nay rất nhiều vựa trước kia thu mua xoài canh nông, nay đồng loạt chuyển sang thu mua xoài Úc để XK sang Trung Quốc. Không những thế các thương lái người Trung Quốc cũng trực tiếp sang đây đặt hàng...”, ông Tú nói.

Tiêu biểu, như ông Ngô Trong, thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, với diện tích hơn 4 ha trồng giống xoài Úc, vụ này thu hoạch được 40 tấn, bán giá từ 45-60 ngàn đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng.

Ông Trong cho biết: “Mấy năm nay giá xoài Úc được thương lái thu mua tương đối ổn định, chủ yếu XK sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Ưu điểm giống xoài này có sức chịu hạn tốt, kháng sâu bệnh cao; trái to từ 0,5-1,5kg, hình dáng tròn như trái táo tây, màu xanh pha hồng đỏ, khi chín màu vàng tươi, hạt nhỏ, mùi thơm, vị ngọt, thịt vàng, chắc, ngon và rất ít xơ. Trồng sau 3 năm bắt đầu cho trái và từ năm thứ 5 trở đi là cho thu hoạch ổn định với năng suất từ 8-10 tấn/ha. Giá thu mua chỉ cần từ 30.000-35.000đ/kg là đã lãi hàng trăm triệu đồng/ha”.

Ông Đình Tú, một chủ vựa thu mua xoài ở thị trấn Cam Đức cho biết, năm nay xoài Úc đầu vụ giá từ 55.000-60.000đ/kg, giữa vụ hạ xuống còn 45.000-46.000đ/kg (tăng khoảng 10.000đ/kg so với cùng thời điểm năm ngoái), nên người trồng lãi cao. 

Do xoài Úc có giá nên hiện nay nhiều nhà vườn ồ ạt chuyển sang trồng giống xoài này, bằng cách cấy ghép như xã Cam Hải Tây. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân tạm dừng chuyển đổi vì lo không kiểm soát nổi. Mặt khác, khi sản lượng xoài Úc tăng đột biến sẽ phá vỡ  thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Hội Thảo Khoa Học “Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Thủy Sản Khu Vực Nam Bộ” Hội Thảo Khoa Học “Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Thủy Sản Khu Vực Nam Bộ”

Nhằm giúp cho các tỉnh, thành trong khu vực có bước đi thiết thực, phù hợp hơn trong quá trình phát triển ngành thủy sản trước áp lực về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi; đồng thời, có được những giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai.

05/11/2014
Nuôi Cá Chình Bông, Hướng Đi Thoát Nghèo Nuôi Cá Chình Bông, Hướng Đi Thoát Nghèo

Ông Trần Luật Sự cho biết, đầu năm 2012, tình cờ gặp một người quen cung cấp tài liệu, quy trình nuôi cá chình bông. Ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 hồ nuôi với diện tích 40m2 và chia thành 2 phần với vách ngăn cố định bằng tường xi măng để phân loại cá chình trong quá trình nuôi.

05/11/2014
Chàng Trai Quê Biển Thuần Hóa Cá Vược Chàng Trai Quê Biển Thuần Hóa Cá Vược

Yêu biển, yêu quê hương nơi mình sinh ra, chàng thanh niên Công giáo huyện Tiền Hải (Thái Bình) Trương Văn Trị đã ấp ủ và thành công trong việc thuần hóa cá vược nuôi từ môi trường nước mặn sang môi trường nước ngọt.

05/11/2014
Nuôi Chim Bồ Câu Giống Pháp Lãi Hơn Nuôi Gà Nuôi Chim Bồ Câu Giống Pháp Lãi Hơn Nuôi Gà

Phòng Kinh tế thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã triển khai mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp quy mô hộ gia đình trên địa bàn, với 10 hộ tham gia. Từ 25 cặp chim bố mẹ ban đầu, đến nay mỗi hộ tham gia đã nhân lên từ 100 đến 130 cặp chim bố mẹ.

05/11/2014
Phát Hiện Phát Hiện "Siêu Nhân" Gây Hại Bộ Rễ Của Cây Rau Đà Lạt

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa phát hiện một loài động vật chân đốt gây hại bộ rễ của nhiều loại rau Đà Lạt như măng tây, khoai tây, đậu đỗ, hành lá, xà lách, cà rốt, bó xôi, cải bông xanh… Loài động vật này có chiều dài từ 0,5 - 2cm, toàn thân thường một màu trắng đục, có 6 - 12 đôi chân chui lủi rất nhanh trong đất, nên nông dân quen gọi là loài “siêu nhân”.

05/11/2014