Xoài Cam Lâm Mất Mùa Vì Sâu Bệnh

Vụ xoài năm nay, nhiều chủ vườn đang lao đao khi giống xoài canh nông chủ lực của Cam Lâm (Khánh Hòa) đang bị sâu bệnh gây hại trên 70% tổng diện tích…
Huyện Cam Lâm có vùng chuyên canh xoài lớn nhất tỉnh với trên 3.400ha, tập trung chủ yếu ở các xã Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và thị trấn Cam Đức. Trong đó, giống xoài canh nông của địa phương chiếm khoảng 2/3 tổng diện tích. Phần lớn diện tích xoài canh nông hiện bị nhiễm bọ trĩ và bệnh muội đen trên lá, ước tính thiệt hại từ 70% đến 100%.
Theo các chủ vườn, do thời tiết từ Tết Nguyên đán đến nay khô ráo, kết hợp với sương mù xuất hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và bùng phát mạnh.
Hộ ông Nguyễn Hữu Kính, 70 tuổi, ở xã Cam Hải Tây có 40 cây xoài canh nông đã trên 20 tuổi. Thời gian này năm trước, vườn xoài của ông sai trĩu quả và sắp cho thu hoạch.
Còn năm nay, đến giờ ông Kính vẫn phải phun thuốc thường xuyên cho vườn xoài nhằm hạn chế bọ trĩ và bệnh muội đen trên lá lây lan và gây hại thêm. Ông Kính cho biết: “Tuy đã phát hiện và phòng, chống sâu bệnh sớm, nhưng vườn xoài của gia đình tôi vẫn bị rụng quả khoảng từ 70 - 80%. Số còn lại cũng không có giá trị cao vì đã nhiễm bọ trĩ nên quả xoài bị sần, nhiều đốm đen...
Bên cạnh đó, bệnh muội đen trên lá cũng đang khiến xoài vừa không ra hoa vừa bị rụng lá, dẫn đến nguy cơ chết cây. Không có xoài để thu hoạch đã đành, gia đình còn phải bỏ ra cả chục triệu đồng để mua thuốc và trả công phun thuốc phòng, chống sâu bệnh cho vườn xoài”.
Xã Cam Hải Tây là địa phương có diện tích xoài lớn nhất huyện Cam Lâm với khoảng 900ha đang cho thu hoạch. Thống kê sơ bộ, đến nay trong xã đã có hơn 500ha xoài bị mất trắng; diện tích xoài còn lại mất từ 70% đến 90%.
Không riêng Cam Hải Tây, nhiều chủ vườn ở xã Cam Thành Bắc, thị trấn Cam Đức... cũng đang bất lực nhìn vườn xoài bị sâu bệnh hoành hành. Cả dãy vườn xoài dọc theo hai bên tuyến đường từ Bãi Dài đến trung tâm thị trấn Cam Đức chỉ có thưa thớt vài quả.
Vườn xoài trong các tổ dân phố thị trấn Cam Đức hay ở xã Cam Thành Bắc, số quả đậu được cũng không nhiều. Theo các chủ vườn, diện tích xoài bị bệnh muội đen trên lá tuyệt nhiên không có quả; toàn bộ lá trên cây có màu đen nhánh như bị bồ hóng phủ lên.
Hiện nay, các chủ vườn vẫn đang phải tập trung cứu diện tích xoài bị nhiễm loại bệnh này để hy vọng vụ sau còn cho thu hoạch. Một số vườn xoài khác vẫn giữ được màu xanh nhưng là màu của các cuống hoa còn trơ lại sau khi quả vừa bị rụng hết.
Ông Nguyễn Văn Nhân - một chủ vườn xoài ở thị trấn Cam Đức, buồn bã nói: “Vụ xoài chính năm ngoái thì được mùa mất giá; cuối năm trông chờ vụ xoài trái vụ nhưng gặp mưa nhiều, hoa chưa kịp đậu quả đã rụng hết. Tháng tư này là vụ xoài chính nhưng giờ đã biết chắc là mất mùa. Người trồng xoài bao giờ mới hết khổ?”.
Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, khó khăn nhất hiện nay là tình trạng bọ trĩ và bệnh muội đen trên lá xoài kháng thuốc nên chưa có phương pháp phòng trừ hiệu quả. Hiện nay, các xã vẫn đang tiếp tục thống kê diện tích, mức độ xoài bị thiệt hại do sâu bệnh để xem xét đề nghị tỉnh hỗ trợ cho chủ vườn.
Có thể bạn quan tâm

BT- Sau chương trình “Chung tay góp sức vì biển Đông, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển”, Ngân hàng TMCP Đầu tư – Phát triển Việt Nam (BIDV) đang chuẩn bị triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho vay đóng tàu vỏ sắt, nhằm tăng cường khả năng bám biển. Bình Thuận, nơi có ngư trường lớn và hiện có 7.523 tàu với tổng công suất 773.729 cv thì đây là một cơ hội tốt để ngư dân tiếp cận nguồn vốn rẻ, tiếp tục nâng công suất tàu thuyền đánh bắt.

Tuy nhiên, đa phần các mặt hàng đều XK qua đường tiểu ngạch, luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với thương nhân trong nước. Đồng thời, sự lệ thuộc lớn vào một thị trường không ổn định như Trung Quốc đã khiến nhiều mặt hàng XK bắt đầu bị ảnh hưởng và buộc phải tìm giải pháp chuyển hướng.

Cũng như nông dân trồng hành tây tại Đà Lạt, năm nay người trồng cà chua ở Đơn Dương (Lâm Đồng) cũng đang phải đổ bỏ hàng trăm tấn sản phẩm mà mình đã vất vả làm ra.

Cung cấp nước tưới giúp khai hoang, tăng diện tích sản xuất lúa 2 vụ; cung cấp gỗ để làm nhà; tăng thu nhập từ các sản phẩm lâm sản phụ. Và mới đây nhất là 42/42 hộ của bản Mới được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Sau 5 năm huyện Sơn Hà kiên trì triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhưng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Huyện Sơn Hà đang nỗ lực thực hiện những giải pháp mới nhằm đưa nghị quyết này vào cuộc sống.