Xóa Đói Giảm Nghèo Ở Ma Thì Hồ

Xã Ma Thì Hồ được thành lập năm 2006 trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân cư của 3 xã Mường Mươn, Si Pa Phìn và Huổi Lèng. Sau 8 năm thành lập, Ma Thì Hồ vẫn thuộc diện xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà, nên rất cần sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước.
Ông Mùa A Dơ, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Thì Hồ cho biết: Trong số 663 hộ với gần 4.000 nhân khẩu vẫn còn tới 420 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo (trên 63%). Nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ truyền thống sản xuất trên nương rẫy, năng suất, sản lượng thấp.
Trong tổng số gần 650ha đất canh tác, ruộng lúa nước chỉ có 140ha và chỉ sản xuất được 1 vụ trong năm. Trong khi đó, diện tích lúa nương gần gấp đôi với 260ha và năng suất bình quân chỉ đạt từ 12 - 15 tạ/ha. Riêng lúa vụ chiêm, năm 2014 xã được giao thực hiện 15ha lúa nước, nhưng thực tế chỉ triển khai được 4ha.
Về chăn nuôi, mặc dù được xã xác định là một trong những hướng xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhưng tập quán chăn thả rông vẫn tồn tại, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, việc phòng trị bệnh cho đàn gia súc chưa được người dân quan tâm đúng mức... nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, tâm lý trông chờ ỷ lại của một bộ phận người dân cũng gây khó khăn cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã.
Trong thực tế, ngoài một số bản có điều kiện thuận lợi khai hoang được ruộng lúa nước như, Hô Chim 1, 2, Ma Thì Hồ 1, 2 còn hầu hết các bản trên địa bàn xã Ma Thì Hồ đều khó khăn về quỹ đất sản xuất; số hộ nghèo cao.
Bản Huổi Mí là một ví dụ. Mặc dù nằm cách quốc lộ 4H chưa đầy 200m, đường vào bản đã được bê tông hóa, điện lưới, nước sinh hoạt cũng đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng trong số hơn 70 hộ của bản vẫn có trên 50 hộ thuộc diện nghèo.
Đang vào mùa, hầu hết người lớn trong bản tranh thủ lên nương để sản xuất vụ lúa duy nhất trong năm, bản chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, nhà nào cũng trống huơ trống hoác.
Những khó khăn mà đồng bào trong bản Huổi Mí gặp phải trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng là tình trạng chung của hầu hết các bản trên địa bàn xã Ma Thì Hồ, và cấp ủy, chính quyền địa phương cũng nhận thấy. Tuy nhiên, khắc phục như thế nào, bằng những biện pháp gì vẫn là một bài toán nan giải.
Trước mắt xã vẫn xác định, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, xã thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh khai hoang ruộng lúa nước. Cùng với đó là xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi mở rộng và canh tác hiệu quả các diện tích có thể sản xuất 2 vụ.
Đồng thời, xã cũng kiến nghị huyện mở thêm các lớp dạy nghề, tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để người dân nâng cao nhận thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng và hiệu quả trong chăn nuôi. Thực hiện việc nêu gương các điển hình trong phát triển kinh tế nhằm nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả về phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa.
Ngoài ra, trong công cuộc xóa đói giảm nghèo xã cũng xác định cần tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình dự án như chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới... Có như vậy, Ma Thì Hồ mới thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn; từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, sản lượng vải quả của tỉnh vụ năm nay ước tính khoảng 50.000 tấn, giá vải cao hơn năm trước khoảng 20% nên lợi nhuận của người dân tăng đáng kể.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động XTTM các tỉnh, thành phố phía Nam 6 tháng đầu năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động XTTM thời gian tới muốn hiệu quả hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Công Thương với Cục XTTM.

Huyện Chư Pah-tỉnh Gia Lai có diện tích gần 1.000 km2 , trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 37.430 ha. Sau 5 năm, nền kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc, một phần nhờ vào việc chuyển đổi đúng hướng cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

Một thời gian ngắn nữa chính sách mới về tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp và nông dân, góp phần vào việc khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực này…

Nhằm trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật giúp cho nông dân, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở các lớp dạy nghề bám sát nhu cầu thực tế của hội viên.