Xây Dựng Và Phát Triển Thương Hiệu Tơ Hồng Đô

Tơ Hồng Đô (Thiệu Hóa) từng dệt nên thương hiệu dân gian cho cả một vùng đất, nhưng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu nơi đây cũng lắm thăng trầm. Có thời kỳ do đầu ra của sản phẩm không ổn định nên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Thiệu Đô tưởng chừng như mai một.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của tỉnh, chính quyền địa phương trong việc mở hướng xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nên nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện, nhất là ở xã Thiệu Đô đã và đang được khôi phục, phát triển, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Xã Thiệu Đô hiện có gần 200 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu. Từ năm 2010, xã đã vận động người dân chuyển đổi giống dâu cũ sang trồng giống dâu mới như: VH 15, GQ 2 nên gần 20 ha dâu của xã không chỉ hạn chế được sâu bệnh, giảm bớt khâu chăm sóc mà năng suất còn tăng gấp 3 lần. Nếu như trước đây, thu nhập bình quân 1 hộ trồng dâu, nuôi tằm chỉ từ 15 đến 20 triệu đồng/năm, thì hiện nay, con số này đã tăng lên 70 - 80 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Hoàng Bình Quyền, thôn 7, xã Thiệu Đô, cho biết: “Người dân chúng tôi rất phấn khởi khi chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu của cha ông.
Đây là cơ hội để chúng tôi lấy lại thương hiệu truyền thống “Tơ Hồng Đô” của địa phương cũng như vươn lên làm giàu”. Được biết, với 8 sào dâu hiện có, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Quyền thu về trên 70 triệu đồng.
Thực tế, từ xa xưa, tơ Hồng Đô đã nổi tiếng là loại tơ mềm, đẹp, bền và được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, tơ Hồng Đô đã và đang được ghi nhận trên thị trường quốc tế như Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia... Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên sản phẩm tơ Hồng Đô vẫn thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Để tránh nguy cơ tranh chấp nhãn hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, Công ty Thương mại và Dịch vụ (TM&DV) Thanh Đức đóng trên địa bàn xã Thiệu Đô đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng logo bảo hộ cho sản phẩm tơ Hồng Đô.
Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể tơ Hồng Đô”. Cùng với đó, huyện Thiệu Hóa tích cực kêu gọi các nguồn vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng, tập huấn kỹ thuật ươm tơ, dệt nhiễu cho bà con nông dân; đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương quy hoạch cụm làng nghề truyền thống tơ Hồng Đô với diện tích 2,5 ha. Ngay sau khi tỉnh có chủ trương, huyện đã nhanh chóng xây dựng đề án phát triển, rà soát và vận động được 30 hộ tham gia đầu tư sản xuất tại cụm làng nghề.
Nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, huyện cũng đã tổ chức cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất lớn đi tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Trong đó, Công ty TM&DV Thanh Đức là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm tơ Hồng Đô. Nếu như trước đây, các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ tơ tằm của công ty có giá trị khoảng 100 triệu đồng thì đến nay công ty đã ký được nhiều hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Viết Đức, Giám đốc Công ty TM&DV Thanh Đức, nếu khai thác hết tiềm năng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt nhiễu ở Thiệu Đô nói riêng và trên địa bàn huyện Thiệu Hóa nói chung có thể giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động và kèm theo hàng nghìn lao động trong các ngành dịch vụ có liên quan.
Như vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu tơ Hồng Đô là một hướng đi đúng. Bởi nó không chỉ tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, giải quyết được việc làm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Bình Định đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật khai thác, xử lý cá, bảo quản cá sau thu hoạch trên tàu cho toàn bộ thuyền viên của 4 nhóm tàu tham gia dự án.

Ngày 5 - 10, tại bến cá Lăng Tô, ngư dân thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đánh bắt được một con cá Cào dài 2 m, nặng khoảng 200 kg. Đây là tín hiệu phấn khởi cho ngư dân địa phương hứa hẹn một mùa biển bội thu.

Theo thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển Khánh Hòa khoảng 116.000 tấn, hàng năm cho phép khai thác hơn 70.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng hải sản đưa vào chế biến, xuất khẩu của tỉnh chỉ khoảng 50%. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng hải sản sau thu hoạch không cao.

Nằm giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn thuộc xóm Chay - quê hương của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - là 6 trại nuôi dế vàng của anh Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi, ngụ thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ… hiện vịt ta loại đẹp (vịt lông trắng) được nhiều hộ chăn nuôi vịt bán cho thương lái chỉ còn ở mức 34.000 - 35.000 đồng/kg, vịt ta loại thông thường (vịt lông đen, lông xám…) có giá 30.000 - 33.000 đồng/kg. Giá vịt ta giảm chủ yếu do lượng vịt tới lứa xuất bán trong dân đang tăng mạnh.