Xây dựng thương hiệu thanh long Bông Trang

Mới đây, thanh long Bông Trang được Sở KH-CN và Sở NN-PTNT chọn là một trong những loại nông sản độc đáo của tỉnh BR-VT để xây dựng thương hiệu.
Theo ông Phạm Thiên Minh, Chủ tịch UBND xã Bông Trang, cây thanh long được trồng trên địa bàn xã khoảng gần chục năm nay.
Do thu nhập khá hơn nhiều loại cây trồng khác, nên khoảng 5 năm gần đây, cùng với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, bà con nông dân đã đầu tư phát triển cây thanh long, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hiện tại, diện tích cây thanh long trên địa bàn xã là 62,2ha với 148 hộ đang trồng.
Theo bà Nguyễn Thị Triền (tổ 6, ấp Trang Định), gia đình bà đang trồng 8 sào thanh long với 400 trụ thanh long ruột đỏ và 400 trụ thanh long ruột trắng.
“Hồi trước, gia đình tôi trồng điều, trồng mì nhưng năng suất không cao nên khoảng 5 năm nay, vợ chồng tôi quyết định chuyển sang trồng thanh long.
Thanh long trồng ở Bông Trang dễ chăm lại nhanh có thu hoạch.
Cứ 2 - 3 tháng thanh long cho thu hoạch một vụ, mỗi trụ thanh long cho 10 - 15kg trái, trung bình 10 tấn/vụ, lãi khoảng 140 triệu đồng/năm”, bà Triền nói.
Theo kinh nghiệm của bà Triền, từ khi bắt đầu trồng đến lúc cho vụ trái thanh long đầu tiên mất khoảng 18 tháng, chi phí cho mỗi kg sản phẩm 6 ngàn đồng.
Với giá bán tại vườn bình quân 9 - 10 ngàn đồng/kg thanh long ruột trắng, 14 - 15 ngàn đồng/kg ruột đỏ, tính ra loại cây ăn quả này đạt hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác như: quýt đường, cam sành, cao su, điều…
Theo Sở NN-PTNT, xã Bông Trang là vùng đất pha cát nên rất hợp với cây thanh long.
Thanh long ở Bông Trang cho trái to, đẹp lại có vị ngọt thanh, khác hẳn với thanh long trồng ở những vùng đất khác.
Hiện thanh long xã Bông Trang đang được Sở NN-PTNT và Sở KH-CN xây dựng thương hiệu nông sản độc đáo của tỉnh.
Ông Nguyễn Tông Hạ, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Bông Trang cho biết: “Chúng tôi rất mong được cấp nhãn hiệu cho trái thanh long Bông Trang, đưa sản phẩm vào các siêu thị, bếp ăn KCN… Có như vậy, người nông dân mới yên tâm sản xuất”.
Anh Nguyễn Văn Tài - một hộ trồng thanh long ở xã Bông Trang - cho hay, những hộ trồng thanh long hàng năm đều được UBND xã Bông Trang tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn để nâng cao chất lượng trồng thanh long.
Mới đây, xã hỗ trợ lắp thêm 3 bình hạ thế ở các ấp Trang Định, Trang Hùng và Trang Hoàng; đồng thời, áp giá điện ưu đãi cho các hộ trồng thanh long.
Ngoài ra, xã Bông Trang còn xây mương nước, trạm bơm nước, làm đường dẫn nước từ đập sông Hỏa về cho bà con các ấp Trang Định, Trang Nghiêm, Trang Hùng (những ấp hiện đang thiếu nước) để trồng thanh long trái vụ.
“Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho bà con vay vốn trả chậm để trồng thanh long.
Tuy nhiên, hiện nay, thanh long trồng ra mạnh ai nấy bán, vì vậy, có khi được mùa thì bị thương lái ép giá.
Hiện nay, xã Bông Trang đang phối hợp với Liên minh HTX để xây dựng thanh long ở xã Bông Trang đạt chuẩn VietGAP, tạo đầu ra ổn định về giá và thương hiệu của tỉnh…”, ông Phạm Thiên Minh, Chủ tịch UBND xã Bông Trang nói.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014 là thời điểm nông dân huyện SaPa (Lào Cai) nói chung và người trồng su su trên địa bàn nói riêng gặp nhiều khó khăn, khi đầu năm tuyết rơi, đến nay là sản phẩm nông nghiệp lại rớt giá. Thời điểm hiện tại, nông dân chỉ bán được quả su su cho tư thương với giá 800 - 1.000 đồng/kg.

Năm nay toàn huyện Chợ Mới trồng được hơn 80ha gừng, trong đó xã Tân Sơn chiếm hơn 90% diện tích. Năm nay, giá gừng đầu mùa khá cao, gấp 2 - 3 lần những năm trước, thương lái thu mua với giá trên 20.000 đồng/kg.

Đối với vùng núi Cấm (An Giang), tiêu được xếp trong nhóm đặc sản (trái su, sầu riêng, tiêu, quýt, măng…), thuộc loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao cho cư dân lập vườn đồi, vườn rừng. Dây tiêu ở đây chỉ trồng xen canh, diện tích nhỏ lẻ, sản lượng không nhiều. Thế nhưng, hương vị hạt tiêu núi Cấm rất riêng, không thua tiêu Phú Quốc hay tiêu khu vực Tây Nguyên.

Ngày 2.10.2014, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ký quyết định công bố dịch sâu đục thân loài mới có tên khoa học Chilo tumidicostalis gây hại cây mía trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị sâu đục thân phá hại khoảng hơn 5.000 ha.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo (Bình Dương), từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có 15.523 ha cao su bị nhiễm các loại sâu bệnh; trong đó chủ yếu là bệnh phấn trắng, nấm hồng và bệnh vàng lá do nấm Corynespora gây ra.